Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM chiều 8.5, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị thành phố cùng cơ quan chức năng làm rõ khái niệm bar để có biện pháp quản lý phù hợp.
Theo bà Lan, trong văn bản hướng dẫn mới nhất của thành phố, 3 loại hình kinh doanh tiếp tục dừng hoạt động, gồm: bar, vũ trường và quán karaoke. Dù vậy, trong các thủ tục đăng ký kinh doanh lại không có mô hình bar mà tất cả đều là "cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống".
Dẫn chứng "bar Buddha” tại P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) thực chất là nhà hàng đồ ăn Thái, bà Lan đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng để tránh việc mỗi địa phương vận dụng một kiểu và doanh nghiệp thắc mắc.
Đồng tình với việc bar còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng bà Lan cho rằng, "cần phải rõ ràng, không để địa phương lúng túng".
“Nếu tạm ngừng hoạt động bar thì các quầy bar tại khách sạn hay quán ăn đề tên là quán bar sẽ xử lý thế nào?”, bà Lan đặt vấn đề.
|
Tương tự, đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện tại, không có loại hình "quán bar" mà chỉ ghi dịch vụ ăn uống. Điều này khiến địa phương khó triển khai.
Trước đó tại cuộc họp, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đã có văn bản hướng dẫn những lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động, gồm: vũ trường, quán bar, karaoke. Các lĩnh vực kinh doanh khác được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Như vậy, các cơ sở tôn giáo được thực hiện các nghi lễ, các cuộc họp đông người được trở lại bình thường.
Trong văn bản thông báo thông báo kết luận cuộc họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 7.5 mới ban hành có nội dung: Thủ tướng đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ, chỉ chưa cho phép mở cửa trở lại đối với 2 dịch vụ gồm: vũ trường và dịch vụ karaoke; không có quán bar.
Bình luận (0)