Trong quá trình tìm hiểu việc Công ty Virtue Resources VN (VR) mạo danh nhiều đại dự án để huy động vốn, PV Thanh Niên được nghe rất nhiều “nhà đầu tư” cho biết họ đã đưa tiền tỉ cho VR với hy vọng thu lại lợi nhuận “khủng”.
tin liên quan
Mạo danh đại dự án để huy động vốnCông ty cổ phần Virtue Resources VN quảng bá đang thực hiện nhiều dự án khủng ở trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, đưa ra mức lợi nhuận cao nhằm huy động vốn trái phép.
Ngày 12.4, PV đến trụ sở chính của VR ở tầng 19 tòa nhà Petro VN (số 1 - 5 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM). Đây là "tổng hành dinh", nơi trưng bày mô hình các “siêu dự án” mà VR đang giới thiệu với khách hàng. Lúc này văn phòng khá đông người vì đây là thời điểm VR đón gần 400 khách hàng tham quan đại dự án Empire World City ở Bavet (Campuchia) từ ngày 13 - 15.4.
|
Vay tiền, bán nhà để đầu tư?!
Bà N. (ở TP.HCM), khách hàng đi Campuchia đợt này, cho biết đã vay tiền đầu tư 3 gói V63 (khoảng 460 triệu đồng) của VR. “Nghe bạn bè giới thiệu, ban đầu tôi mua 1 gói V63, rồi mua thêm 2 gói nữa. Chơi là phải liều thì mới trúng. Ngoài số tiền lãi công ty trả hằng tháng, cuối năm tiền bán cổ phiếu ít nhất hơn 2 tỉ đồng. Lúc đó mình chỉ bán 1/3 số cổ phiếu, còn 2/3 đợi giá lên 10 USD/cổ phiếu bán tiếp. Khi đó tiền để đâu cho hết chú ơi. Chú đầu tư nhanh đi!”, bà N. lôi kéo.
Đang ngồi ngủ gật ở ghế bên cạnh, bà T. (ở Bảo Lộc, Lâm Đồng - cũng là khách hàng chờ đi tham quan dự án ở Campuchia), nhổm dậy quay sang chúng tôi: “Này em, chị vô 7 gói V63 rồi đó. Vợ chồng em có bao nhiêu tiền bỏ vào đây, chỉ có giàu lên thôi. Chị vét sạch tiền mua các gói, giờ bằng 60 năm đi làm. Nếu tỉnh ngộ thì em phải vô tiền ngay. Chị hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Thủ Đức đầu tư 1,6 tỉ đồng, giờ bán cả xe tải và cơ sở tổng cộng 8 tỉ đồng đầu tư vào đây hết luôn.
Ở Bảo Lộc còn có bà K.T đầu tư 46 tỉ đồng, giờ mỗi tháng nhận lãi khủng mà cuối năm nay còn thu về hàng trăm tỉ đồng từ cổ phiếu (?)”. Bà T. cho biết bà đầu tư vào VR ngày 17.9, mới đầu chỉ 100 USD, rồi lên 1.000 USD, dần dần lên 7 gói V63 (gần 1,1 tỉ đồng), hiện thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng, chưa kể các tiền khác (?). Thấy chúng tôi có vẻ bị thuyết phục, bà T. đưa số điện thoại và dặn: “Muốn đầu tư, cứ gọi chị tư vấn cho”.
Vừa kéo va li tới trụ sở VR ở tòa nhà Petro VN, anh T. (ở Phú Thọ) cho biết mới vào TP.HCM để ngày 13.4 đi Campuchia tham quan dự án. Anh T. kể đã mua 3 gói V63 nhưng chưa hề tìm hiểu dự án đầu tư nào của VR mà “giao hết cho người quen ở TP.HCM”.
Không có chức năng huy động vốn
Theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, chỉ có các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) mới được triển khai nghiệp vụ huy động vốn (nhận tiền gửi) của các tổ chức, cá nhân.
Các công ty cổ phần không được phép triển khai nghiệp vụ này. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty VR được thành lập ngày 13.10.2016, có vốn điều lệ 40 tỉ đồng, do bà Nguyễn Ngọc M. (46 tuổi, ngụ Q.5) làm chủ tịch HĐQT; ngành nghề kinh doanh: khai thác kim loại quý hiếm, tư vấn đầu tư, kinh doanh bất động sản, quảng cáo, nghiên cứu và thăm dò dư luận…
Còn Công ty cổ phần Asia Venture (AVC, công ty con của VR) thành lập ngày 21.10.2016, vốn điều lệ 20 tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Lư Chiêu M. (33 tuổi, ngụ Q.11). AVC có trụ sở chính ở tầng 11 tòa nhà Indochina (số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1), có ngành nghề kinh doanh như VR. Cả hai công ty này đều không có chức năng huy động vốn.
Đáng lưu ý, tại tầng 19 tòa nhà Petro VN (số 1 - 5 Lê Duẩn) cũng là nơi hoạt động của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Aerosia VN (gọi tắt là Aerosia VN). Công ty này được thành lập ngày 7.3.2016 (thay đổi đăng ký lần thứ 4 ngày 8.8.2016), vốn điều lệ 30 tỉ đồng, do ông G.T.C (35 tuổi, ngụ Q.5) làm chủ tịch HĐQT; ngành nghề kinh doanh: tư vấn quản lý, quảng cáo, nghiên cứu dư luận và thăm dò thị trường.
Trong năm 2016, cũng với chiêu thức mạo danh một số đại dự án (trong đó có dự án khách sạn container ở Phú Quốc), đưa cổ phiếu Aerosia lên sàn chứng khoán London (Anh) vào cuối năm 2017, Aerosia VN huy động vốn từ khách hàng, với các gói đầu tư gần giống VR. Thế nhưng, ngày 12.4, khi PV đến thì được thông báo chương trình của Aerosia không còn hoạt động và mời khách đầu tư vào VR.
Trong khi đó, tại trụ sở VR, ông N., trưởng nhóm nhà đầu tư của VR, thao thao về tính khả thi và lợi nhuận khủng nếu đầu tư vào dự án khách sạn container ở Phú Quốc (dù chính Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã khẳng định không có dự án nào như vậy tại đây).
Ông N. nổ: “Chậm nhất tháng 10.2017 dự án hoàn thành. Ban đầu giá 30.000 USD/suất, nay tăng lên gần 50.000 USD/suất. Dự án ở Campuchia, công ty có dạng bất động sản giải trí dành cho giới siêu giàu giá hàng triệu USD trở lên, nếu mua sẽ được giảm 30 - 40%, bán lại lời rồi. Công ty còn có mỏ vàng ở Pahang chuẩn bị khai thác, dự án Vona Sky sẽ bán ra vào cuối tháng 4.2017, dự án điện ảnh ở Trung Quốc đã tạo ra doanh thu…!”.
Cần kiểm tra, ngăn chặn kịp thời
Khi nghe về cách huy động vốn của VR và các công ty “con”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho hay: “Tôi cũng từng được mời tham gia đầu tư góp vốn vào dự án một công ty giới thiệu là của tỉ phú người nước ngoài. Họ tư vấn, tiền đầu tư sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu ReIPO để làm các dự án ở nước ngoài, nhà đầu tư được trả lãi “khủng”.
Nhưng hình thức huy động này là lừa đảo. Dự án được thực hiện ở nước ngoài nên số tiền huy động được trong nước phải chuyển ra nước ngoài. Vậy công ty này có giấy phép chuyển tiền của cơ quan chức năng hay không? Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để ngăn chặn những hậu quả nặng nề có thể xảy ra”.
Theo luật sư Bùi Thới Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc mạo danh đơn vị khác nhằm thu hút đầu tư và chiếm dụng vốn của khách hàng là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, việc một pháp nhân đem vốn ra nước ngoài để kinh doanh bất động sản (như quảng cáo của công ty trên) buộc phải có giấy phép đầu tư của cơ quan có thẩm quyền chứ không đơn giản như công ty quảng cáo.
“Công an cần phải vào cuộc điều tra để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, nếu không thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Vẫn tồn tại mô hình đa cấp để huy động tài chính
Ngày 13.4, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết thực tế công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2016 cho thấy còn một số khó khăn, tồn tại. Cụ thể vẫn còn hoạt động bán hàng đa cấp không đăng ký, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hoặc để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo dù đã có quy định cấm. Đặc biệt, tình trạng huy động tài chính theo phương thức đa cấp vẫn tồn tại dai dẳng, gây bức xúc lớn trong xã hội. Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công thương đã phối hợp các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi). Do đó, trong năm 2017, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đã được thể hiện rõ trong năm 2016. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động bán hàng đa cấp để tránh thiệt hại cho người dân vì thiếu hiểu biết.
M.Phương
|
Bình luận (0)