Vỡ mộng đổi đời bằng ‘click chuột’

13/03/2017 06:27 GMT+7

Nhiều người dân H.Diễn Châu (Nghệ An) đầu tư hàng chục tỉ đồng vào một công ty quảng cáo trực tuyến đang đứng ngồi không yên, vì trang web của công ty này dừng hoạt động, không thanh toán tiền lãi theo cam kết.

“Click chuột” ra tiền
Cầm trong tay chiếc USB do Công ty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB (viết tắt là Công ty DDB) cấp, chị Cao Thị Thảo (46 tuổi, ngụ xã Diễn Tân, H.Diễn Châu, Nghệ An) cho biết giữa tháng 9.2015, chị được ông Hoàng Văn Ngọc (44 tuổi, ngụ tại H.Yên Thành, Nghệ An, tự giới thiệu là giám đốc khu vực miền Trung của Công ty DDB) mời tham gia đầu tư vào công ty này. Sau khi mua 2 gói (12 triệu đồng/gói) trong chương trình Click, chị Thảo được công ty cấp 2 chiếc USB để click vào các biểu tượng web hiển thị trên một chương trình có sẵn. Chỉ mất khoảng hơn 40 phút mỗi ngày để click chuột, chị Thảo cho biết đã thu lại tổng cộng 42 triệu đồng cả vốn lẫn lãi sau 1 năm.
Thấy lãi suất hấp dẫn, công việc nhẹ nhàng, chị Thảo tiếp tục mua 9 gói (20 triệu đồng/gói) trong chương trình quảng cáo nhà hàng Rock. Theo chị Thảo, với mỗi gói, người tham gia chỉ cần vào trang hệ thống nhà hàng Rock trên mạng xã hội chia sẻ và “like” (thích) các hình ảnh khách hàng đăng lên sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/tháng. Với 2 chương trình này, nếu 3 ngày liên tiếp không lên mạng “click chuột” sẽ bị mất tiền của tháng đó.
Từ tháng 9.2016 đến đầu năm 2017, với hơn 760 triệu đồng đầu tư vào các chương trình Hỗ trợ viên; Nuôi trồng chương chi; Đông sự và cổ đông của Công ty DDB, chị Thảo được công ty này trả gần 47 triệu đồng tiền lợi nhuận mỗi tháng. Tuy nhiên, từ ngày 20.1 đến nay, các trang web của Công ty DDB không còn truy cập được, cũng không thanh toán tiền lợi nhuận hằng tháng cho người tham gia.
Bà Nguyễn Thị Phúc (61 tuổi, ngụ xã Diễn Thành, H.Diễn Châu) cho biết thấy nhiều người gửi tiền vào Công ty DDB nhận được lợi nhuận cao, tháng 6.2016, bà được một người quen giới thiệu và đã mua 10 gói chương trình Hỗ trợ viên (12 triệu đồng/gói). Sau 4 tháng, bà Phúc nhận được tổng cộng 20 triệu đồng lợi nhuận. Thấy lợi cao, công ty trả lãi hằng tháng sòng phẳng nên cuối năm 2016 bà mua thêm nhiều gói chương trình với tổng số tiền 720 triệu đồng. “Tui có biết công ty này như thế nào đâu, thấy nhiều người tham gia, tiền gửi vào có lãi cao nên sẵn có tiền mới bán đất, chưa làm gì thì gửi vào đó sinh thêm lợi để vài năm nữa làm nhà cửa cho con. Ai ngờ giờ lại có chuyện như vậy, chỉ mong lấy lại được vốn thôi”, bà Phúc nói.
Công an đang xác minh
Theo bà Nguyễn Thị T. (50 tuổi, ngụ tại H.Diễn Châu), ngày 20.1, các trang web của Công ty DDB bất ngờ dừng hoạt động với lời xin lỗi “trang web công ty bị hacker tấn công, đang tạm dừng”. Thế nhưng chờ mãi không thấy trang web hoạt động trở lại, cũng không nhận được tiền lợi nhuận hằng tháng, bà T. cùng 40 người khác tìm đến văn phòng Công ty DDB tại TP.Vinh (Nghệ An) thì được ông Hoàng Văn Ngọc trả lời “công ty có dấu hiệu lừa đảo, giám đốc công ty đã bỏ trốn” và khuyên mọi người cùng nhau làm đơn tố cáo.
Chị Thảo cho biết trong vai là giám đốc khu vực miền Trung của Công ty DDB, ông Ngọc đã lôi kéo nhiều người tham gia gửi tiền đầu tư vào công ty này. Tuy nhiên, khi xảy ra chuyện thì ông Ngọc lại cho rằng mình không phải là giám đốc mà chỉ là một người “đi trước”, cũng là bị hại như những người khác. “Không những giới thiệu mình là giám đốc khu vực miền Trung, ông Ngọc còn đưa danh thiếp nên chúng tôi mới tin tưởng như vậy. Trong bản hợp đồng, ông Ngọc cũng là người ký nhận ở phần người phụ trách. Giờ lại nói không phải giám đốc để tránh trách nhiệm là sao? Hơn nữa, việc ông Ngọc nói làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng nhưng không biết ông ta đã gửi chưa nên chúng tôi đã đồng loạt làm đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Nghệ An”, chị Thảo nói.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Ngọc thừa nhận đã trực tiếp vận động nhiều người tham gia vào Công ty DDB nhưng chỉ với vai trò là người “đi trước” chứ không phải giám đốc khu vực miền Trung. Theo ông Ngọc, Công ty DDB có trụ sở tại Q.3 (TP.HCM) do một người Đài Loan ủy quyền lại cho bà Phạm Thị Hiền làm tổng giám đốc. Tháng 12.2015, Công ty DDB thành lập văn phòng tại Nghệ An rồi mời ông cùng hơn 50 người khác sang Đài Loan tham quan các dự án kinh doanh của công ty này. Nhận thấy Công ty DDB có dấu hiệu lừa đảo khi các trang web đều dừng hoạt động, ông chủ người Đài Loan và bà Hiền cũng bỗng dưng mất tích, ông Ngọc tập hợp đơn tố cáo của 144 người đã đầu tư vào công ty này tổng số tiền gần 50 tỉ đồng gửi đến các cơ quan chức năng.
Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An), cho biết đơn vị đã nhận được đơn tố cáo Công ty DDB của một số người dân và đang xác minh vụ việc.
Trong hợp đồng hỗ trợ viên giữa người dân với Công ty DDB, thì công ty này có địa chỉ tại 46 Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM); hiện chuyển về số 46 đường Nguyễn Thông (P.9, Q.3, TP.HCM). Trong khi đó, theo ghi nhận của PV thì tại địa chỉ số 46 đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM) là một nhà hàng, không phải trụ sở của Công ty DDB. Người dân trong khu vực không biết gì về công ty này. Thông tin từ Sở KH-ĐT TP.HCM, Công ty DDB được thành lập ngày 22.3.2013, do một người tên Phạm Thị Hiền làm đại diện pháp luật, cũng là chủ sở hữu công ty. Trước đây công ty đăng ký tại địa chỉ 47 Bàu Cát 1 (Q.Tân Bình, TP.HCM). Ngày 4.1.2016, công ty thay đổi địa chỉ từ địa chỉ trên về số 46 Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) và hiện nay vẫn đang đăng ký hoạt động tại đây. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến địa chỉ trên thì bảo vệ tòa nhà cho biết công ty đã chuyển khỏi nơi đây khoảng 1 năm về trước, không biết chuyển đi đâu.
Hải Nam - Phan Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.