Mất mùa vì chuột

07/07/2016 07:10 GMT+7

Hàng trăm héc ta lúa hè thu ở huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang) đang bị chuột cắn phá dữ dội khiến năng suất sụt giảm nghiêm trọng.

Nhìn cánh đồng lúa hơn 11 ha đang bị chuột cắn phá gần hết, anh Lê Hoàng Phương (xã Vĩnh Điều) thở dài ngao ngán. Anh cho biết đã dùng đủ cách để diệt chuột nhưng không hiệu quả, cuối cùng đành phải bỏ mặc cho lũ chuột cắn phá, ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng. Bà Phạm Hòa Bình (ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa) than: “Tôi có 2 ha lúa, mới được 35 ngày đã bị chuột ăn hết 90%. Vốn hết 30 triệu đồng, giờ bị thất trắng rồi, chồng tôi phải đi làm mướn kiếm tiền. Nhờ chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ cho dân chúng tôi đỡ khổ”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Đậm (xã Vĩnh Điều) có 6 ha lúa bị chuột cắn phá hơn phân nửa diện tích, số còn lại chỉ được vài giạ một công. “Chuột nhiều vô kể. Tại đám ruộng của tôi, bữa thu hoạch lúa người dân đến vây bắt chưa đầy 2 giờ đồng hồ mà được gần cả tấn chuột”, ông Đậm kể.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN-PTNT H.Giang Thành, vụ hè thu năm nay bà con trong huyện gieo sạ gần 16.000 ha lúa hè thu sớm và hơn 20.000 ha lúa hè thu chính vụ. Đến nay, ước diện tích thiệt hại do chuột cắn phá hơn 500 ha; trong đó xã Phú Lợi bị chuột gây hại nhiều nhất với 380 ha, Vĩnh Điều 73 ha, Vĩnh Phú 60 ha...
Theo ông Nguyễn Thành Được, Phó phòng NN-PTNT H.Giang Thành, sở dĩ năm nay diện tích thiệt hại do chuột cắn phá tăng nhiều là do người dân không tuân thủ theo lịch thời vụ. Người sạ trước, người sạ sau nên khi diện tích gieo sạ trước thu hoạch xong thì chuột sẽ cắn phá tiếp diện tích lúa gieo sạ sau. “Chúng tôi khuyến cáo bà con nên tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp; đồng thời thường xuyên sử dụng các phương pháp diệt chuột như đặt rập, thuốc hóa học, đuổi lon... tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột nhằm hạn chế thiệt hại tính mạng cho bà con nông dân”, ông Được nói.
Tuy nhiên, theo nhiều bà con nông dân ở H.Giang Thành, họ đã dùng đủ mọi cách diệt chuột, nhưng không diệt xuể. Bà con mong muốn ngành chuyên môn sớm đưa ra những phương pháp hữu hiệu hơn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột tấn công như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.