Miền tây Quảng Trị - Cô gái ngủ trong rừng: Hoa vẫn nở nơi vùng núi lở!

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
11/04/2021 06:19 GMT+7

Năm 2020, miền tây Quảng Trị gặp phải thảm họa thiên tai, đặc biệt nạn núi lở đã chôn vùi nhiều mạng người, nhiều bản làng. Lạ thay, nơi đó, mùa xuân này hoa vẫn nở...

Sa Mù, bên sạt núi, bên hoa thơm

Chừng 3 năm trở lại đây, người ta đã bắt đầu quen với hoa Sa Mù (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa). Những loài hoa được gắn với con đèo có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ này cũng rất kiêu kỳ, là lan hồ điệp, ly ly, tulip... Cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây lên với Sa Mù bao giờ cũng có sức hấp dẫn tột cùng với giới phượt. Và vườn hoa “mọc lên” nơi lưng chừng đèo đã vô tình tạo nên combo đầy lãng mạn: “đi phượt - ngắm mây trời - ngắm hoa”. Tất cả chỉ mất quãng đường hơn 100 km, tính từ TP.Đông Hà.
Đường lên Sa Mù những ngày giáp Tết Tân Sửu ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Đường lên Sa Mù những ngày giáp Tết Tân Sửu

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Thế nhưng, đó là chuyện của những năm trước, chứ năm 2020, mưa lũ triền miên đã biến cung đường thơ mộng ngày nào thành thứ không thể kinh hoàng hơn với những vết nứt toác, đất đá từ trên núi cao vùi đường, vùi nhà cửa... Những đau thương dồn dập đặc biệt vào những tháng cuối năm 2020 đã làm nhiều người tin rằng, thật khó để nhìn thấy hoa Sa Mù nữa, hay chí ít cũng phải mất vài năm sau, khi mọi thứ được phục hồi.
Vậy nhưng, những vườn lan hồ điệp, ly ly, tulip vẫn vươn lên mạnh mẽ, khoe sắc để bù đắp cho những mất mát của vùng đất này; tương phản hoàn toàn với những hoang tàn do lũ lụt, sạt lở đất gây ra.
Nơi những chồi hoa đã được ươm mầm và tồn tại đó chính là khu vực nghiên cứu thực nghiệp của Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Trị. Với những loài hoa nổi tiếng “đỏng đảnh, khó tính” như trên, lại giữa hoàn cảnh éo le như vậy nhưng những cán bộ ở đây vẫn “về đích” thành công.
Số liệu từ ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Trị, cho biết để phục vụ hoa tết vừa qua, trung tâm đã ươm mầm ở nơi này 27.000 cây lan hồ điệp, 15.000 cây hoa lys có ba màu vàng, đỏ, hồng; 7.000 cây tulip, 3.000 cây hoa cát tường và 1.500 hoa hồng môn...
Trong đó, với số lượng lớn, lan hồ điệp và ly ly đã dần tạo được thương hiệu. Trong khi lan hồ điệp được trồng có bảy màu, gồm trắng, đỏ phượng hoàng, đỏ tím, vàng, hồng, trắng nhụy tím, trắng chấm đỏ; phải mất 22 tháng mới ra hoa, thì tulip có các màu vàng, đỏ, trắng, mào gà... được nhập giống từ Hà Lan và Chile.
“Để vượt qua một năm thời tiết đầy biến động, việc trồng, chăm sóc và kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây hoa đều nhờ ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, ngày công. Các loại hoa được trồng trong nhà kính, trang bị hệ thống máy móc công nghệ hiện đại với các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phun sương, hơi nước, gió được điều khiển và theo dõi hoàn toàn tự động”, ông Hoàng nói.
Thậm chí với những thành công bất chấp thời tiết, nhiều người vẫn tiếp tục nuôi mơ mộng rằng Sa Mù có ngày sẽ trở thành “tiểu Đà Lạt của Quảng Trị”.

Rực rỡ hoa...quốc dân

Không chỉ “hoa nhà nước” ở Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Trị, mà rất nhiều “vườn hoa... quốc dân” ở địa bàn huyện vùng cao Hướng Hóa cũng bung nở rực rỡ trong mùa xuân này, bất chấp nơi chốn đó vừa trải qua 1 năm đầy ắp thiên tai.
Chuyến khảo sát của tỉnh Quảng Trị do ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh (áo rằn ri, đi giữa), như cái gõ cửa đầu năm vào miền tây Quảng Trị ẢNH: THANH LỘC

Chuyến khảo sát của tỉnh Quảng Trị do ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh (áo rằn ri, đi giữa), như cái gõ cửa đầu năm vào miền tây Quảng Trị

ẢNH: THANH LỘC

Từ thành công của năm 2020 với vườn hoa cúc họa mi đầu tiên được trồng ở Quảng Trị, bước sang mùa xuân 2021, cô gái Đinh Thị Thu Thảo (30 tuổi, trú khóm 1, TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa) tiếp tục biến vườn hoa của mình mà cô gọi là “Miền Viên Thảo” thành một điểm đến ấn tượng. “Mọi người phải đi xa để ngắm những loài hoa lạ, sao mình không cố trồng hoa lạ cho bằng được để mọi người khỏi tốn công đi xa”, đó là tư duy của Thảo.
Cũng “hot” không kém trong dịp xuân Tân Sửu là “Vườn hoa suối La La” tại bản Vây 2 (xã Tân Lập, H.Hướng Hóa). Với việc trồng và sắp đặt thành 12 tiểu cảnh lớn nhỏ trong cả một vườn hoa lớn, “Vườn hoa suối La La” đã trở thành một điểm check-in mới khiến nhiều du khách đến khám phá và lưu lại những bức ảnh rực rỡ cho riêng mình.
Không chịu kém cạnh, ở xã Tân Hợp (H.Hướng Hóa) thậm chí còn thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đầu tư hơn 1 tỉ đồng để... trồng hoa. Hiện tại, đơn vị đã tiến hành trồng gần 2 ha hoa với đa dạng thể loại như: Ly, tam giác mạch, hồng, cúc, hướng dương, sao nhái… Trong dịp tết vừa qua, mô hình du lịch trải nghiệm của HTX Nông nghiệp Tân Hợp đón hơn 4.000 lượt khách đến tham quan. “Theo kế hoạch, đơn vị sẽ mở rộng quy mô của mô hình nhằm hướng tới xây dựng điểm du lịch ấn tượng tại địa phương. Lúc này, chúng tôi rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, kết nối, quảng bá…”, bà Lê Thị Huệ, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hợp, cho biết.
Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, người từng bác tư duy rằng “thú chơi hoa chỉ dành cho người có điều kiện”, một lần nữa nhấn mạnh rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả vừa trải qua thiên tai thì người ta cần có hoa để vợi đi những đau thương, hướng đến tương lai mới; Đó là chưa nói rằng mô hình trên đang là hướng đi mới, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi này.

Bao giờ “thức giấc”?

Đó là câu hỏi đau đáu mà người dân, đặc biệt là những người trót mê đắm vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa diệu kỳ của núi rừng miền tây Quảng Trị, đang chờ chính quyền và ngành chức năng tìm ra câu trả lời. Bởi có một vấn đề lớn nhất qua nhiều năm vẫn chưa “khai thông” được chính là việc lên với miền tây Quảng Trị, du lịch cộng đồng thì không biết tìm đâu làm nơi ăn, chốn nghỉ. Hiện, ở H.Hướng Hóa chỉ có duy nhất 1 mô hình farmstay của anh Hoàng Thông là doanh nhân ở Huế được đầu tư khá bài bản tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng có tên là Bungalow 5 Mùa. Trong những ngày đầu xuân Tân Sửu, một đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã đi khảo sát một số địa danh đầy tiềm năng du lịch ở 2 huyện vùng cao Đakrông và Hướng Hóa... Đây được xem như cái “gõ cửa” năm mới của tỉnh này vào tiềm năng du lịch của miền tây. Ông Nam nhận ra rằng muốn khai thác tốt các danh thắng này thì tỉnh cần có sự đầu tư ban đầu, trước mắt biến những nơi này trở thành điểm đến của nhân dân trên địa bàn tỉnh và khách du lịch; sau đó tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, song song với việc tiến hành công tác quy hoạch các điểm du lịch một cách cụ thể. Nhiều người bảo, miền tây Quảng Trị cần có “những con đại bàng” là những nhà đầu tư lớn đến để.... đẻ trứng vàng. Và việc của chính quyền và ngành chức năng Quảng Trị lúc này là phải nỗ lực làm tổ. Nếu không, miền tây Quảng Trị chỉ là “cô gái ngủ trong rừng” mãi không thức giấc! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.