Tại lễ khai trương, GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, 100% dịch vụ công thực hiện trực tuyến cấp độ 4, là cấp độ cao nhất, để hạn chế việc tiếp xúc giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp.
Theo ông Long, Bộ Y tế cũng sẽ thành lập hội đồng thẩm định và cấp phép trang thiết bị y tế (TTBYT) trên nguyên tắc đảm bảo tính độc lập, khách quan công tâm và giúp cơ quan quản lý một cách khách quan nhất trong vấn đề cấp phép, tránh câu chuyện lùm xùm, những ý kiến trái chiều và có hiện tượng tiêu cực xảy ra trong vấn đề cấp phép.
|
“Bộ Y tế hiện đã công khai toàn bộ kết quả đấu thầu TTBYT từ tháng 4, đến nay đã có 50.000 trang thiết bị đã công khai giá trúng thầu, làm căn cứ tra cứu. Cùng với đó, công khai giá TTBYT là thêm bước đi quan trọng lành mạnh hóa thị trường này”, ông Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tới yêu cầu thực hiện công khai tất cả giá liên quan TTBYT của công ty mong muốn cung ứng vào thị trường Việt Nam, bao gồm bảo hành, bảo trì. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ kết nối với hải quan để có thêm thông tin về giá thiết bị nhập khẩu về Việt Nam.
Theo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế), giá công khai là giá của thiết bị tương ứng với các cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế; phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế, giá bảo trì sau bảo hành).
Theo Bộ Y tế, trong khám chữa bệnh có hơn 10.000 loại TTBYT. Tại Việt Nam, có hơn 100 nhóm TTBYT chiếm đến hơn 80% TTBYT sử dụng trong khám, chữa bệnh. Các TTBYT này sẽ phải thông tin công khai giá bán, cập nhật giá bán và các chi phí liên quan TTBYT tại các địa chỉ: - https://quanlytrangthietbiyte.com/tra-cuu-ttb-y-te- https://dmec.moh.gov.Việt Nam/
Bình luận (0)