Công khai danh sách hỗ trợ Covid-19 đợt 3 tại địa phương là một điểm mới, và là nguyên tắc khi chính quyền TP.HCM triển khai thực hiện chính sách. Theo đó, chính quyền phường, xã, thị trấn sẽ công khai, minh bạch bằng cách dán danh sách tại trụ sở khu phố, tổ dân phố hay tại phường; chia sẻ vào các nhóm, trang thông tin mạng xã hội của địa phương. Thông tin cá nhân (TTCN) của người nhận gói hỗ trợ cũng sẽ được công khai.
Như Thanh Niên đã thông tin, qua ghi nhận tại một số điểm phường, xã, cho thấy, việc công khai vẫn chưa thống nhất, đồng bộ về nội dung, thời điểm. Một số phường gặp phản ứng của người dân, không muốn dán danh sách vì sợ lộ TTCN.
Thông tin cá nhân là bất khả xâm phạm
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn LS TP.HCM), hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan chức năng có nghĩa vụ công khai TTCN của người nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách. Tại điều 9, luật Tiếp cận thông tin năm 2016, có quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra trừ các trường hợp là thông tin mật và hạn chế, có điều kiện. Đồng thời, tại điều 17 cũng quy định 15 loại thông tin mà Nhà nước phải công khai, nhưng không có loại thông tin người dân nhận hỗ trợ từ ngân sách.
“Khi triển khai gói hỗ trợ, các cơ quan chức năng sẽ lập, quản lý, lưu giữ danh sách gồm TTCN của người thụ hưởng và nhà nước không có nghĩa vụ, trách nhiệm công khai để xã hội biết rộng rãi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có quyền công khai các thông tin về số liệu như số người, khu vực, giá trị được hưởng, danh sách người được hưởng...”, ông Công nói.
LS Công phân tích, công dân ai cũng có quyền bất khả xâm phạm TTCN, kể cả đối với nhà nước. Bởi, TTCN là các thông tin riêng biệt của người đó để phân biệt với người khác cũng như đi kèm với rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Chẳng hạn, số CMND/CCCD đã thể hiện địa phương người đó đăng ký khai sinh, giới tính, năm sinh. Vì vậy, khi công khai danh sách người nhận tiền hỗ trợ của nhà nước mà trong đó nêu đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ cư trú, số CMND, CCCD thì phát sinh rất nhiều rủi ro nếu thông tin này lọt vào tay kẻ xấu. Chúng có thể tạo ra các giấy tờ giả, sử dụng để trấn áp chính người bị lộ lọt thông tin đó, hoặc giả danh người của cơ quan nhà nước làm việc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Các cơ quan nhà nước phải thực hiện việc công khai TTCN đúng quy định hoặc có được sự đồng ý của họ, không vượt giới hạn để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, không để kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, người dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ phải hiểu được nghĩa vụ của mình trong việc công khai thông tin để hợp tác với cơ quan nhà nước. Hoạt động điều hành và quản lý nhà nước đều có nhiều cơ quan giám sát với quy định pháp luật rất chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc khi vi phạm. Ngoài ra, còn có cơ chế giám sát từ người dân thông qua hoạt động khiếu nại, tố cáo để phát hiện ra sai phạm và xử lý thích đáng”, ông Công cho biết.
Nên công khai những nội dung nào?
LS Công cũng nêu ý kiến, với gói hỗ trợ đợt 3, nhà nước công khai danh sách người nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì chỉ nên công khai có giới hạn về TTCN, gồm tên, địa chỉ là đã đảm bảo được việc giám sát của người dân.
Theo quy định của luật Tiếp cận thông tin, nếu công dân nào có thắc mắc, nghi ngờ hoặc muốn thực hiện chức năng giám sát thì có thể được cung cấp cụ thể hơn các thông tin chiều sâu như tên, tuổi, đối tượng nhưng quyền này cũng bị giới hạn theo điều 7 của luật này và điều 38 của Bộ luật dân sự, nhất là khi phải được sự đồng ý của đối phương.
“Trường hợp người dân nào có nghi ngờ về thông tin công khai đó thì họ có thể áp dụng quy định của Luật tiếp cận thông tin để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thêm thông tin chi tiết khi thỏa mãn đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Điều này sẽ hạn chế việc lộ, lọt TTCN vào tay những đối tượng có ý đồ xấu, cũng như, tôn trọng quyền về thông tin bí mật cá nhân mà pháp luật đã trao cho người dân”, LS Công nhấn mạnh.
Chưa có khái niệm đầy đủ về thông tin cá nhân?Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước” là văn bản pháp luật đầu tiên đưa ra khái niệm TTCN mang tính khái quát.
Khoản 5 Điều 3 Nghị định này quy định: TTCN là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác. Có thể thấy, dù chưa chính xác, đầy đủ nhưng khái niệm TTCN trên đã có cách tiếp cận đúng và dần tiệm cận với các khái niệm được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế.
Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thống nhất về thuật ngữ sử dụng cũng như chưa đưa ra được khái niệm TTCN một cách đầy đủ, chính xác. Vẫn còn một số thuật ngữ như: thông tin số, thông tin riêng, TTCN trên môi trường mạng (luật CNTT 2006); thông tin về bí mật đời tư, dữ liệu (luật Giao dịch điện tử 2005); thông tin riêng (luật Viễn thông 2009); TTCN, dữ liệu về TTCN (luật An toàn thông tin mạng 2015)... Trong các thuật ngữ pháp lý trên, chỉ có một số được định nghĩa, giải thích trong các văn bản pháp luật; số còn lại chỉ được sử dụng mà không giải thích, định nghĩa. Ngay cả khái niệm TTCN được ghi nhận trong luật An toàn thông tin mạng năm 2015 - được coi là luật chuyên ngành - thì cũng chỉ quy định hết sức chung chung, mang tính khái quát, thiếu tính đầy đủ, cụ thể. Khoản 15, Điều 3 luật này quy định TTCN là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Với quy định này, rất khó có thể xác định thông tin nào của cá nhân là TTCN được pháp luật bảo vệ.
|
Bình luận (0)