Ngân hàng VDB sai phạm gì tại dự án gang thép nghìn tỉ ‘đắp chiếu’?

Anh Vũ
Anh Vũ
22/02/2019 13:17 GMT+7

Gần 757 tỉ đồng là số tiền mà thanh tra đã chỉ rõ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân cho các nhà thầu trái quy định, cần phải xử lý trách nhiệm.

Đề nghị Bộ Tài chính xử lý trách nhiệm tại VDB

Đây là số tiền nằm trong các gói thầu mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận sai phạm, thất thoát tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, sau 5 năm triển khai đội vốn lên tới 8.104 tỉ đồng. Sai phạm xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của TISCO, Tổng Công ty thép (VNS), Bộ Công thương...
Nhà máy đã "đắp chiếu" từ năm 2013 đến nay, với khoản lãi vay ngân hàng phải trả gần 40 tỉ đồng/tháng. Hai ngân hàng liên quan, giải ngân cho dự án này gồm VDB và Ngân hàng Công thương (Vietinbank).
Theo Thanh tra chính phủ, đối với VDB, Chi nhánh Thái Nguyên, trên cơ sở đề nghị của TISCO, VDB Chi nhánh Thái Nguyên đã giải ngân cho Tổng Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), các nhà thầu phụ khác 757 tỉ đồng theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC số 01#.
Theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg, VDB là ngân hàng chính sách do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. VDB được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Do hoạt động của VDB không vì mục đích lợi nhuận nên được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước.
Vốn điều lệ của VDB 15.086 tỉ đồng và dự kiến tăng lên 30.000 tỉ đồng vào năm 2020.
Tại hợp đồng EPC 01#, Vinaincon sau khi trở thành nhà thầu phụ, được giao thực hiện thi công với giá trị tạm tính hơn 764 tỉ đồng, đã lập tức ký hợp đồng giao việc với 29 nhà thầu khác với giá trị hơn 505 tỉ đồng và thu phí quản lý 5 - 10% giá trị hợp đồng. Đây là hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật về đầu tư.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, Tisco không có khả năng thanh toán, báo cáo Thủ tướng cho ý kiến xử lý những vướng mắc nếu có.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại VDB, VDB Chi nhánh Thái Nguyên có khuyết điểm, nêu tại kết luận thanh tra.

Nguy cơ phá sản, mất vốn

Theo nguồn tin của Thanh Niên, đến nay, VDB vẫn chưa thực hiện được việc cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hàng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5.
Đến thời điểm 31.5.2018, TISCO đang nợ VDB 1.573 tỉ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 415 tỉ đồng.
Liên quan đến việc cho vay dự án này còn có Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ngày 20.11.2014, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2339/TTg-KTTH gửi các bộ, ngành, VNS và Tisco, trong đó có nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 8.104 tỉ đồng. SCIC góp tối thiếu 1.000 tỉ đồng”.
Bên cạnh đó, TISCO cũng ký với Vietinbank Chi nhánh Hà Nội hợp đồng tín dụng số 01/2010/HĐTD ngày 25.1.2010 và các phụ lục hợp đồng triển khai dự án với giá trị hợp đồng không vượt quá 1.863 tỉ đồng, số tiền đã giải ngân thanh toán giá trị thiết bị dự án là 1.458 tỉ đồng (đến 31.12.2016, số tiền Tisco còn nợ là 225 tỉ đồng và 72,1 triệu USD). Hiện, khoản nợ vay tại VietinBank đã được VietinBank cơ cấu thời gian trả nợ cho TISCO đến tháng 6.2019.
Tuy nhiên, báo cáo tại Đại hội cổ đông đầu năm 2019 của TISCO cho thấy, công ty này đứng trước nguy cơ phá sản, có thể mất vốn đầu tư của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Thép Việt Nam (chiếm 65% vốn điều lệ - 1.196 tỉ đồng), các ngân hàng mất vốn do TISCO không trả nợ được, gần 5.000 người lao động không có việc làm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.