Ngân sách 'đội nón' ra đi, nghìn tỉ đồng 'chảy' vào túi cán bộ

16/11/2017 09:53 GMT+7

Đăng đàn đầu tiên phiên chất vấn sáng 16.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận được một loạt câu hỏi về nợ đọng thuế , nợ công và thất thoát ngân sách.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) đặt vấn đề 9 tháng đầu năm 2017 thu ngân sách mặc dù vượt 2,3% so với dự toán, song đây là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước kết luận tình trạng doanh nghiệp kê khai, nộp thuế không đầy đủ; nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2016 nợ thuế 74,1 nghìn tỉ đồng, 9 tháng đầu năm còn 73,9 nghìn tỉ đồng. “Mức giảm như vậy là không đáng kể, Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát nợ thuế, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu Tuấn, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng những năm qua quản lý nợ thuế cũng tích cực hơn, số thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, trong 73,9 nghìn tỉ đồng nợ thuế đến nay, có hơn 28.000 tỉ đồng của 713.383 đối tượng khó khả năng thu hồi do mất tích, chết, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, phá sản, giải thể…

Cũng lo ngại tình trạng thất thu ngân sách, cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) báo động và đặt câu hỏi: “Buôn lậu vô cùng nhức nhối, ngân sách nhà nước đội nón ra đi, một phần chảy vào túi các cán bộ gây thất thu hàng nghìn tỉ đồng. Vụ 213 container cảng Sài Gòn biết mất, hơn 30 cán bộ hải quan hầu toà… Theo Bộ trưởng nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay đạo đức thoái hoá. Quả đấm thép nào sẽ được đưa ra để Bộ trưởng giải quyết dứt điểm tình trạng trên, góp phần chống tham nhũng?”.

Người dân phải lấy hoá đơn khi mua hàng

Đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hoà Bình) phản ánh tình trạng doanh nghiệp không chịu xuất hoá đơn, trong khi người dân cũng không có thói quen lấy khi mua hàng, quản lý của ngành thuế không chặt chẽ gây thất thu ngân sách, không đảm bảo sự công bằng. “Bộ có trách nhiệm gì và giải pháp như thế nào để tạo thói quen cho người dân mua hàng lấy hoá đơn, chống thất thu ngân sách”, đại biểu Bùi Thu Hằng chất vấn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng này và nêu nguyên nhân chính do hiện nay quản lý thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp, sau đó hậu kiểm tra. Trong khi đó, người dân lại không có thói quen lấy hoá đơn và thường xuyên dùng tiền mặt. Sắp tới, theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về hoá đơn điện tử, yêu cầu doanh nghiệp khi thành lập phải có mã số, kết nối, đăng ký kê khai, dùng hoá đơn điện tử… khắc phục được tình trạng này. “Song người dân cũng phải tạo thói quen lấy hoá đơn khi mua bán hàng hoá”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.