Ngành khí tượng kêu 'khó dự báo mưa ở Nha Trang'

20/11/2018 06:10 GMT+7

Trong số những nguyên nhân được đưa ra có việc ra đa bị che lấp do sự phát triển của các công trình nhà cao tầng, bị nhiễu sóng nên không xác định được các ổ mây gây lượng mưa lớn.

Chiều 19.11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), chủ trì cuộc họp thông tin về thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh nam Trung bộ, đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới sạt lở đất và lũ quét xảy ra tại Nha Trang (Khánh Hòa).
[VIDEO] Mưa lũ lớn ở Nha Trang đã khiến nhiều người tử vong

Mưa to dị thường, ngoài khả năng dự báo !
Ông Sơn nhận định, có hai nguyên nhân chính dẫn đến thiên tai ở khu vực này. Đầu tiên là do mưa lớn, thực tế ở những khu vực này đã có mưa rất to, có tính chất dị thường, ngoài sức tưởng tượng và vượt ngoài khả năng dự báo.
Cụ thể, lượng mưa đo được ở các khu vực xảy ra lũ quét và sạt lở trong 12 giờ đã đạt đến 300 mm. Trong khi đó, dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia cảnh báo ở khu vực này chỉ có mưa 100 - 150 mm, riêng Đài KTTV tỉnh Khánh Hòa dự báo lượng mưa 200 - 250 mm.
“Mưa lớn cực đoan xảy ra ở khu vực cục bộ có địa hình hẹp, độ dốc lớn khiến nước và đất đá dồn lại các khe suối khi đổ dồn, chảy từ đỉnh xuống chân núi sẽ tạo ra lũ quét gây sạt lở đất và đây là thiên tai cực đoan khó lường trước”, ông Sơn nói.
Sạt lở tại khu vực núi Cô Tiên tràn xuống làm sập nhà dân ở P.Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang) Ảnh: T.Đ.N
Về nguyên nhân thứ hai, ông Sơn cho rằng thiên tai xảy ra ở Khánh Hòa cũng có nguyên nhân từ tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Trong suốt 10 năm trở lại đây, Nha Trang chưa có một trận mưa nào lớn như trận mưa xảy ra những ngày vừa qua. Khu vực chân núi Rớ nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất khoảng 10 năm trước có rất ít nhà dân, công trình hạ tầng nhưng hiện nay thì đây là khu vực phát triển sôi động. Mặt bằng xây dựng nhà dân, các công trình chủ yếu bám vào chân núi, các tác động này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở đất khi có mưa lớn, khi nằm dưới dòng chảy từ đỉnh núi xuống khu vực chân núi.
“Vùng mù của ra đa”
Thông tin về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia thuộc Tổng cục KTTV (Bộ TN-MT), nói do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 (Toraji), đêm 17.11 đến hết ngày 18.11 ở các tỉnh nam Trung bộ đã có mưa vừa đến mưa to, riêng Khánh Hòa và Phú Yên có mưa rất to. Lượng mưa trong 24 giờ phổ biến từ 80 - 150 mm, một số điểm trên 200 mm tập trung tại tỉnh Khánh Hòa như Cam Hải Tây 253 mm, Cam An Bắc 241 mm. Trong đó, khu vực TP.Nha Trang mưa đặc biệt lớn với lượng mưa trong khoảng thời gian 6 giờ (từ 4 - 10 giờ sáng ngày 18.11) đã đạt 319,4 mm. Trong các bản tin dự báo bão và cảnh báo lũ quét từ 5 - 8 giờ ngày 18.11, Đài KTTV khu vực nam Trung bộ cũng đã phát tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất khu vực tỉnh Khánh Hòa; nhấn mạnh khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập úng do mưa lớn ở vùng trũng thấp và khu vực ven biển tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt tại các huyện Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh.
Cũng theo ông Lâm, việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét cho khu vực tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là khu vực TP.Nha Trang, hiện nay vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, TP.Nha Trang hiện nằm trong vùng mù của ra đa. Bên cạnh đó, ra đa bị che lấp do sự phát triển của các công trình nhà ở cao tầng, bị nhiễu sóng nên tín hiệu phản hồi ra đa bị nhiễu, không xác định được các ổ mây gây lượng mưa lớn. Các khu đô thị, nhà ở ven biển phát triển đã làm hạn chế sự tiêu thoát nước. Sự phát triển mạnh mẽ của các công trình nhà ở dân sinh ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hay việc san, lấp các khu vực đồi núi để xây dựng nhà… Ngoài ra, mạng lưới đo đạc và điện báo KTTV bề mặt trên các lưu vực sông nam Trung bộ về mặt số lượng đang phân bố không đều, thường tập trung ở hạ lưu, thưa hoặc không có ở vùng thượng lưu, vùng núi hiểm trở, nơi thường là các nguồn phát sinh mưa lũ. Khu vực nam Trung bộ với điều kiện sông suối ngắn dốc, mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn, cường suất lũ lên nhanh xuống nhanh nên thời gian dự kiến của dự báo thường ngắn.
Khánh Hòa và Ninh Thuận lại sắp có đợt mưa rất lớn ?
Trung tâm dự báo KTTV quốc gia cho biết, theo dự báo đến khoảng ngày 21.11 sẽ có một cơn bão đi vào khu vực Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay. Từ ngày 21 - 22.11, các tỉnh Bắc bộ tiếp tục đón thêm không khí lạnh tăng cường. Khi bị ảnh hưởng của không khí lạnh diễn biến bão sẽ rất phức tạp và khó lường. Nhiều khả năng các tỉnh Trung bộ và nam Trung bộ sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn bắt đầu từ đêm ngày 23.11 và kéo dài cho đến hết ngày 25.11. Trong đó, khu vực các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục sẽ có mưa lớn.
Trước dự báo về cơn bão mới, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các đơn vị quản lý rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng chất lượng công trình cũng như khả năng tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực nam Trung bộ để chủ động ứng phó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.