Ngày 5.1.2021, Báo Thanh Niên ứng dụng trí tuệ nhân tạo

03/01/2021 05:40 GMT+7

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo không còn bị giới hạn trong các siêu máy tính hay những hệ thống điện toán chuyên dụng mà được áp dụng vào đời sống thường ngày, trong đó có cả lĩnh vực báo chí.

AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) được coi là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất và cũng khó dự đoán nhất thời gian qua. Cách đây ít năm, con người khó có thể hình dung được sự xuất hiện của các công nghệ như deepfakes (giả dạng khuôn mặt trên video/ảnh chụp) hay machine translation (dịch tự động với sự hỗ trợ của AI) hay khả năng định danh trực tuyến nhanh chóng của các bot chat trực tuyến.

“Báo thông minh” - Để trí tuệ nhân tạo AI đọc báo Thanh Niên giúp bạn

Sử dụng AI để tìm kiếm nội dung các tin bài liên quan đến Covid-19 trên Báo Thanh Niên

Ảnh: Chụp màn hình

Hiện nay, AI dần trở thành một “tiêu chuẩn” phổ biến ở nhiều lĩnh vực, từ việc ứng dụng để tăng cường  an ninh mạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nghiên cứu robot, cho đến truy cập dữ liệu phổ biến, cá nhân hóa dịch vụ khách hàng và hỗ trợ con người nói chung... Theo ước tính của Hãng nghiên cứu thị trường IDC, trong năm 2020 trên thế giới đã có hơn 24 tỉ thiết bị kết nối Internet (IoT) được lắp đặt, điều này đặt ra những mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu cũng như bảo mật cực lớn trong thời đại của AI và IoT. Lúc này, sẽ cần các cơ chế an ninh mạng chuyên nghiệp tích hợp AI để tự bảo vệ người dùng trước các cuộc tấn công nguy hiểm. Trong khi đó tại Nhật Bản, dự báo đến năm 2025 sẽ có hơn 80% công việc chăm sóc người cao tuổi do robot đảm nhiệm chứ không phải con người, điều này đòi hỏi sự cấp thiết của ứng dụng AI trong robot để thay thế con người trong một số công việc đặc thù.

Hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo AI của Báo Thanh Niên

Thanh Niên ra mắt dự án “Báo thông minh”

“Báo thông minh” là dự án tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp độc giả dễ dàng đọc tin tức và các nội dung giải trí, sẽ được Thanh Niên chính thức ra mắt vào ngày 5.1 tới. Ngoài ra, tại sự kiện, đại diện Báo Thanh Niên và các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ về xu hướng làm báo khi áp dụng AI. Cụ thể, sự kiện có sự tham gia của:
- Anh Ngô Quốc Hưng, Giám đốc sáng lập Trung tâm tài năng AI (Center of Talent in AI, CoTAI), là đối tác triển khai chương trình đào tạo kỹ sư AI cùng VTC Academy (VTC.AI), và chương trình phổ cập AI tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
- Anh Huỳnh Công Thắng, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Innolab Asia; sáng lập của Lead The Change.  Anh Thắng cũng là doanh nhân có tầm ảnh hưởng không chỉ trong cộng đồng người trẻ Việt Nam, mà còn trong giới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại khu vực ASEAN, Đài Loan, Hàn Quốc và Chile.
- Nhà báo Phạm Hồng Phước, nguyên Phó tổng biên tập Echip.
- Anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn tinhte.vn.
- Thi Anh Đào, nữ CEO trẻ của Công ty tiếp thị số Isobar Việt Nam.

Tại Việt Nam, các công ty cũng ráo riết ứng dụng AI trong các lĩnh vực của mình để tăng tính hiệu quả và giảm thiểu các nguồn lực không cần thiết. Mới đây, FPT cho ra mắt Voice Maker, một ứng dụng AI giúp chuyển đổi văn bản thành giọng nói với khả năng nhận diện tiếng Việt ở nhiều vùng miền khác nhau rất suôn sẻ. Trong khi Zalo cũng ra mắt trợ lý ảo thông minh Việt Kiki tại hội thảo Zalo AI Summit 2020 vừa qua. Ngoài ra, một số công ty logistics còn ứng dụng AI trong việc phân loại hàng hóa và tối ưu lộ trình giao vận; các dịch vụ giao đồ ăn cũng ứng dụng AI để giúp nhân viên của họ phân phối hiệu quả các đơn hàng và tránh các điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Nhiều website cũng như nhãn hàng đang sử dụng các bot chat tích hợp AI để thay nhân viên tự động định danh và phản hồi khách hàng trong một số nội dung nhất định. Sắp tới đây, “Báo thông minh”, một dự án tích hợp AI trong giao tiếp hai chiều giữa báo chí và độc giả sẽ được Thanh Niên ra mắt vào ngày 5.1, được coi là cột mốc quan trọng trong việc thay đổi cách tiếp cận báo chí trong thời đại 4.0. Đây cũng là lần đầu tiên một tờ báo điện tử tại Việt Nam ứng dụng AI để giao tiếp với bạn đọc. Cách làm của Thanh Niên sẽ giúp độc giả tương tác với nội dung mình muốn đọc, hoặc cá nhân hóa nội dung muốn tiếp cận thay vì bị động như trước.
Trí tuệ nhân tạo chỉ có thể “trưởng thành” hơn nhờ vào khả năng máy học dựa trên các nguồn dữ liệu đầu vào phong phú, trong đó con người là nguồn dữ liệu vô tận. Nên AI vẫn cần tiếp cận tới những khía cạnh thiết thực hơn trong cuộc sống, chứ không chỉ ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên dụng như robot, quốc phòng hay nghiên cứu vũ trụ. Hiện nay một số ứng dụng của AI sẵn sàng đồng hành trong cuộc sống hằng ngày để giúp người dùng cá nhân hóa các lựa chọn của mình và đây cũng là lúc mà AI cần được hiểu theo “ngôn ngữ” bình dân hơn. Có lẽ đó cũng sẽ là cuộc cách mạng và là sứ mệnh tiếp theo của AI: Phổ cập đến mọi người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.