Những ai được hỗ trợ?
Gần 100 tỉ đồng đề xuất trích hỗ trợ cho khoảng 100.000 người dân Đà Nẵng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đề xuất này vừa được Sở LĐ-TB-XH gửi UBND TP.Đà Nẵng và hiện UBND TP đang báo cáo để Thường trực HĐND TP thông qua. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, tuy TP không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 khi dịch bệnh bùng phát kể từ đầu tháng 5 đến nay, thế nhưng một số ngành, lĩnh vực phải tạm dừng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó vì bị mất việc…
|
Trước tình hình này, UBND TP đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát. Qua đó, Sở đã thống kê có 3 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời với tổng mức khoảng 100 tỉ đồng. Cụ thể, theo đề xuất của Sở LĐ-TB-XH, đối với gần 57.000 người thuộc nhóm người có công và đối tượng xã hội (bao gồm người có công bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên; người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhóm bảo trợ xã hội ở cộng đồng), sẽ có mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần/người. Nhóm hộ kinh doanh chợ đêm (256 hộ) sẽ nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/lần/hộ. Riêng nhóm người lao động (không có hợp đồng) bị mất việc làm được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, đó là các lĩnh vực giáo dục (giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục; nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ); vận tải (thuyền viên phục vụ tàu du lịch; lái xe, phụ xe của 12 tuyến buýt trợ giá; lái xe, phụ xe các tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động tại Đà Nẵng); du lịch (đơn vị lữ hành; lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch; khu điểm du lịch; nhân viên lưu trú; các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; hướng dẫn viên du lịch) và lĩnh vực khác (bán vé số, cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình). Nhóm này có khoảng gần 34.000 người, sẽ nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/người. Riêng hướng dẫn viên du lịch được nhận mức 3,71 triệu đồng/lần/người.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn An cho biết thêm, sau khi HĐND TP phê duyệt, ngành chức chức năng và các địa phương sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ trong tháng 7. “Đây là sự hỗ trợ đột xuất trước mắt, còn về lâu dài sẽ có những chính sách vay vốn, hỗ trợ sinh kế”, ông An nói.
Cần nhanh chóng, hiệu quả
Từ đầu năm 2021, khi kinh tế Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi, nhiều ngành nghề đã sớm lấy lại đà tăng trưởng, nhất là dịch vụ. Nhưng người dân vừa mới phấn khởi vì lượng khách du lịch nội địa dần đông trở lại, hứa hẹn mùa hè sôi động với nhiều nguồn thu thì dịch Covid-19 trở lại.
Bà Nguyễn Thị Trí (57 tuổi, trú P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, một tiểu thương chợ đêm Sơn Trà) cho biết suốt năm 2020 đến đầu năm 2021, tiểu thương buôn bán trong lo âu, không biết khi nào phải dừng hoạt động. Đến đầu tháng 5, TP có quyết định dừng hoạt động chợ đêm, toàn bộ tiểu thương chới với vì mất đi nguồn thu chính. Nhiều tiểu thương phải về quê sinh sống, quầy bán hàng thậm chí phải nhượng lại để bù lỗ nhưng vẫn không có ai mua. Trong khi đó, máy móc, thiết bị chế biến, bàn ghế... phục vụ việc buôn bán hàng ăn lâu ngày không sử dụng đã hư hỏng nhiều phần.
“Nghe tin TP hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, tiểu thương ai cũng phấn khởi. Trên group Zalo của tiểu thương chợ đêm, mọi người đều trông chờ ngày chính sách hỗ trợ đến tay người dân. 3 triệu đồng vừa là phao cứu sinh cũng vừa là sự động viên, quan tâm của TP đến tiểu thương tại chợ. Số tiền nhận được lần này giúp gia đình tôi mua thực phẩm, cầm cự được gần 1 tháng. Hy vọng TP kiểm soát tốt dịch, chờ ngày chợ đêm trở lại”, bà Trí chia sẻ.
Bà Võ Thị Hương (65 tuổi, trú tại tổ 34, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) - một người bán vé số dạo tỏ ra vui mừng trước thông tin gói hỗ trợ sẽ trích 1,5 triệu đồng/người. Bà Hương kể, thời điểm trước khi xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 4, mỗi ngày bà bán được khoảng 100 tờ, đủ chi phí để trang trải cuộc sống.
“Khi dịch bệnh trở lại, hằng ngày tôi dậy sớm hơn để đi bán ở các phường trung tâm, đến chiều tối mới về nhà nhưng nhiều lắm cũng chỉ bán được 60 - 70 tờ”, bà Hương nói. Vì thế, với bà, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể giúp vơi bớt những khó khăn hiện tại. “Tôi mong số tiền này sớm đến tay những người bán vé số bởi lúc này, chúng tôi ai cũng chật vật xoay xở...”, bà Hương nói thêm.
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 4 vừa diễn ra (ngày 2.7), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hỗ trợ có hiệu quả, nhanh chóng cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và chủ trương của TP.Đà Nẵng.
Mở gói 100 tỉ đồng cho vay giải quyết việc làmHồi cuối tháng 6 vừa qua, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về việc sử dụng nguồn vốn cho vay trả nợ tiền sử dụng đất tái định cư theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP chưa giải ngân sang cho vay giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, HĐND TP thống nhất chủ trương chuyển số kinh phí 100 tỉ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Đà Nẵng để cho vay giải quyết việc làm.
|
Bình luận (0)