|
“Các địa phương cần tăng cường kiểm soát quản lý ở các địa bàn, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh thành. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu triển khai test nhanh tại vị trí trọng yếu tại một số chốt ở các tuyến đường”, thượng tá Long đề xuất.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu khi phát hiện ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn phải khoanh vùng, truy vết, xử lý ngay lập tức, không quản ngày đêm, giờ giấc. Phải tranh thủ giờ vàng để siết dịch.
“Đôi khi chúng ta chấp nhận phải đau trong một thời gian ngắn còn hơn rề rà, dây dưa rồi không làm được gì. Cần phải tập trung làm cho triệt để, xử lý được dứt điểm”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng yêu cầu, người về từ vùng dịch phải thực hiện nghiêm, bởi hiện dịch đang diễn biến phức tạp nên đề nghị Sở Y tế rà soát lại các văn bản đã ban hành, để cập nhật, ban hành một văn bản mới rõ ràng, thống nhất, hệ thống hóa về việc cách ly người về từ vùng dịch. Đối với người về từ TP.HCM, thực hiện theo văn bản cao nhất của Chính phủ, do đó, người đi tự do từ TP.HCM về Quảng Nam sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày.
Ngoài ra, các trường hợp về theo văn bản 5389 theo yêu cầu từ TP.HCM nhằm giảm mật độ người tại thành phố này về Quảng Nam sẽ cách ly tại nhà và xét nghiệm 3 lần theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Sở Y tế phải tính phương án cần phân loại đối tượng, có người cách ly tại nhà nhưng có những người phải cách ly tập trung.
“Người dân mình sống, làm việc ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... rất đông nên các khu cách ly phải dự lường tình huống. Bà con làm ăn trong đó vẫn là những người con của mình. Tình hình trong đó quá khó khăn, phức tạp bà con chấp nhận về với số lượng rất đông thì mình phải tính toán phương án xử lý, không để bị động”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Bình luận (0)