TAND TP.Đà Nẵng vừa tuyên phạt Lê Thị Tuyết Nhung (52 tuổi) 12 năm tù về tội lừa đảo.
Lê Thị Tuyết Nhung - Ảnh: Nguyễn Tú |
Làm giả sổ đỏ và hối lộ
Theo cáo trạng, năm 2007 do vỡ nợ, Nhung nhờ Nguyễn Thị Sang (ngụ 86/4 Thi Sách, hiện bỏ trốn) giả chữ ký Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, giả sổ đỏ nhà 42 Thái Thị Bôi thế chấp Ngân hàng Việt Á Đà Nẵng vay 1,2 tỉ đồng. Trong khi nhà này đã thế chấp vay Agribank Quảng Nam 600 triệu đồng và ủy quyền cho người khác vay SHB Đà Nẵng 2,75 tỉ đồng.
Năm 2009, Nhung bỏ trốn đến 15.4.2015 thì bị bắt, không ai ngờ đại gia lừng lẫy một thời này lại sa lưới trong bộ dạng ô sin rửa chén để giấu phận.
Trước tòa, ông Nguyễn Đức Lư (53 tuổi, chồng Nhung) khai thời bao cấp, ông làm cơ khí, Nhung nghỉ việc kế toán xí nghiệp vàng, phụ bán phụ tùng, xe đạp ở chợ Vĩnh Trung, kiếm từ 2-3 chỉ vàng đến 1-2 cây vàng/ngày, mua được 5-6 căn nhà. Nhưng từ 2006, Nhung buôn hải sản, gặp bão nên thua lỗ, giấu chồng, lần lượt thế chấp nhà.
“Mỗi ngày bán 40-50 triệu đồng tiền Inox, lãi cũng 5-10 triệu nhưng vợ cứ nói trả lãi, tôi bực mình, nghi vợ nuôi trai nhưng không phải, tôi chỉ buồn bỏ lên xưởng ở Hòa Khánh, tình cảm vợ chồng nhạt dần”, ông Lư ngậm ngùi.
Nhung khóc trước tòa, cho rằng chỉ vay Sang 500 triệu đồng đáo hạn, nhưng lãi 15%/tháng nên tiền lãi đến 700 triệu đồng, Sang dọa không trả sẽ bắt cóc con trai nên Nhung nghe lời Sang xúi bậy làm giả sổ đỏ chứ không dám báo công an, Sang lấy 10% lo thủ tục cho các ngân hàng còn Nhung chỉ ký hồ sơ, nên mới có chuyện cay đắng là tuy vay Ngân hàng Việt Á 1,2 tỉ đồng nhưng Nhung chỉ nhận 100 triệu đồng, Sang lấy 800 triệu đồng lãi gốc và lãi phát sinh; 60 triệu đồng làm giả sổ đỏ và 140 triệu đồng hối lộ cán bộ tín dụng Phạm Văn Tùng.
Nhung khẳng định: “Đến ngày trả, Tùng cho mượn tiền rồi thu tiền đáo hạn cứ 100 triệu là 500.000 đồng, 1,2 tỉ là 6 triệu, 2 lần đáo hạn hết 12 triệu đồng, bị cáo chỉ ký hồ sơ vay lại thôi ạ”.
Cán bộ tín dụng tiếp tay?
Thẩm phán Huỳnh Đức Kỳ cho rằng, không có chuyện cán bộ tín dụng tự bỏ tiền túi 1,2 tỉ đồng đáo hạn giúp, vì trả nợ vay phải hệ thống 3-4 người phê duyệt, có tiền mặt mang đến, có phiếu thu… nên chắc chắn phải có tiếp tay mới hoàn thành được. “Sao bị cáo không tố giác?”, HĐXX hỏi. “Dạ thỏa thuận ngầm giữa bị cáo với Sang thôi, tiền hối lộ không có bằng chứng ạ”, Nhung khai.
“Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật vì không tố giác, khi có đơn cơ quan điều tra vào cuộc nếu không có bằng chứng. Lúc này chưa làm được thì lúc khác làm, với trách nhiệm công dân phải tố giác, vì khả năng họ không chỉ lừa một mình bị cáo, chứ không thể bị cáo đi tù còn những người khác thì nhởn nhơ ngoài xã hội”, Thẩm phán Kỳ nói.
Ông Phạm Khắc Mỹ, đại diện Ngân hàng Việt Á khai ông Tùng vi phạm nội quy lao động, không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy đã đến nhà Nhung đo đạc nhưng không xác minh công chứng, đăng ký sử dụng đất, sai lầm xảy ra sổ giả nên Ngân hàng Việt Á đã cho thôi việc, hiện không rõ làm ngân hàng nào hay đi đâu.
Thẩm phán Huỳnh Đức Kỳ cho rằng ngân hàng thiếu tôn trọng khi tòa đã tống đạt mời giám đốc nhưng không đi mà ủy quyền, ông Tùng không phải phạm quy chế mà vi phạm pháp luật, bởi không có chuyện mang hồ sơ về nhà ký.
“Có một loại tội phạm hoạt động bên ngoài xã hội, liên kết với cán bộ ngân hàng, chuyên cho vay nặng lãi và đáo hạn, nhận 140 triệu chắc chắn biết đó là hồ sơ giả, chứ hồ sơ đàng hoàng thì không ai đưa tiền cả, có vậy mới tạo điều kiện cho bị cáo rút tiền ra”, ông Kỳ nói và ông yêu cầu ông Mỹ phải tiếp thu ý kiến của tòa để về chấn chỉnh ngân hàng.
“Đó là nguy cơ bể hàng loạt ngân hàng nếu không xử lý dứt điểm, cơ quan công an không sờ đến nhưng các vị phải coi lại đi, vụ án này có ẩn khuất bên trong, người đi tù còn kẻ nhởn nhơ ngoài pháp luật”, ông Kỳ khẳng định.
“Ngoài xã hội tồn tại thành phần chuyên đi cho vay nặng lãi và đáo hạn, dẫn dắt bị cáo mất trắng ngôi nhà cha mẹ ông bà cho, trở thành người vợ gian dối chồng, gây bao phiền phức cho xã hội...”, Thẩm phán Huỳnh Đức Kỳ nhận định về vụ án do Nhung gây ra.
|
Bình luận (0)