Người thường xuyên uống bia rượu có nguy cơ mắc bướu 2 bên cổ

Duy Tính
Duy Tính
25/04/2021 17:49 GMT+7

Bệnh nhân thấy có khối bướu 2 bên cổ ngày càng phình to nên lo lắng đi khám, được phát hiện khối bướu hai bên cổ .

Ngày 25.4, thông tin từ Bệnh viện Xuyên Á TP.HCM, cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân T. (52 tuổi, ngụ Kiên Giang) có khối bướu 2 bên cổ.
Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng hơn 3 năm nay, ông vẫn lao động, làm vườn, nhưng thỉnh thoảng thấy căng 2 bên cổ, vai, gáy. Khi soi gương, ông thấy 2 bên cổ, nhất là vùng gáy 2 bên to ra nên rất lo lắng.
Bệnh nhân đi khám nhiều nơi, đều nhận cùng câu trả lời rằng bướu 2 bên cổ của ông là bướu lành, mổ hay không mổ cũng được.
Tại Bệnh viện Xuyên Á, sau khi chụp cắt lớp lồng ngực - trung thất, siêu âm bụng bệnh nhân T., bác sĩ không phát hiện tổn thương bất thường nào. Thăm khám lâm sàng, đánh giá cẩn thận các bướu phần mềm ở vùng đầu, cổ, vai, 2 bên gáy, các bác sĩ kết luận: Bướu 2 bên cổ của bệnh nhân là loại “đa bướu mỡ đối xứng”, còn gọi là bệnh madelung disease. Bệnh này còn có cách gọi khác là “bướu mỡ lành tính đối xứng".
Sau khi được các bác sĩ tư vấn, giúp hiểu rõ về căn bệnh bướu 2 bên cổ của mình, bệnh nhân không yêu cầu sinh thiết hay phẫu thuật.
Theo bác sĩ, bướu 2 bên cổ là căn bệnh xảy ra ở nam giới, tuổi từ 30-50. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, nhưng thường gặp ở người thường xuyên uống bia, rượu, có liên quan đến chuyển hóa mỡ.
Biểu hiện lâm sàng nổi trội là khối bướu mỡ cân xứng 2 bên cổ, vai, gáy, lưng, ngực, bụng, thường không gây đau, hoặc đôi khi có đau nhẹ tại bướu. Dạng bướu này không có vỏ bao như các loại bướu mỡ thường gặp. Đây là điểm mấu chốt để bác sĩ cân nhắc nên phẫu thuật hay không.
 
Theo bác sĩ, bệnh bướu 2 bên cổ - “đa bướu mỡ đối xứng” được Benjamin Brodie mô tả lần đầu năm 1846, tiếp theo đó là báo cáo của Madelung, Launois và Bensaude vào năm 1898. Bệnh hiếm gặp của chuyển hóa mỡ, rất hiếm khi chuyển dạng ác tính. Các biến chứng gây ra do khối bướu mỡ chèn ép vào các cấu trúc cạnh cổ như khó nuốt, nuốt đau, hoặc khàn tiếng… cũng rất ít khi xảy ra. Các bướu ở trung thất hay sau phúc mạc có thể gây chèn ép đường thở hoặc mạch máu.
Cần phân biệt bướu 2 bên cổ với một số bệnh lý khác như hội chứng Cushing, bướu mỡ - mạch máu, bướu sợi, bướu sợi thần kinh, sarcôm mỡ niêm, bệnh lý tuyến nước bọt mang tai. Phẫu thuật vẫn là phương pháp được chọn lựa duy nhất, nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ tái phát trên 63%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.