Nhặt được của rơi không trả có thể bị xử lý hình sự

Ngọc Lê
Ngọc Lê
02/08/2020 11:34 GMT+7

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc nhặt được của rơi mà không trình báo cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu, mà giữ làm của riêng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ đoạn clip ngắn ghi lại cảnh cãi nhau qua lại giữa nam thanh niên và một người phụ nữ đèo con gái đi trên đường ở TP.Hà Nội. Theo nội dung clip ghi lại, người phụ nữ nhặt được chiếc túi nhưng không chịu trả cho nam thanh niên. Nam thanh niên khẳng định đây là bình giữ nhiệt mà mình đánh rơi, yêu cầu mở túi ra để xác minh. Tuy nhiên, người phụ nữ nhất quyết không mở, hai bên đứng giữa đường đôi co khá gay gắt. Sau đó, người phụ nữ vứt chiếc túi ra giữa đường và nói: "Việc gì phải trả". Thái độ của người phụ nữ nhận được nhiều phản ứng của dư luận.
Đây không phải là sự việc duy nhất, mới đây ngày 26.7, lãnh đạo xã Ea Kpam (H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết Công an đã trích xuất camera để truy tìm người đàn ông nhặt bọc tiền của nhân viên cây xăng đánh rơi rồi bỏ chạy. Theo nhân viên cây xăng, số tiền bị mất khoảng 20 triệu đồng, là tiền bán xăng. 
Hai sự việc này đang gây xôn xao mạng xã hội, dư luận bức xúc với hành động nhặt được của rơi nhưng cố tình muốn giữ thành của mình, không muốn trả lại.

Xử phạt 5 năm tù

Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, quy định việc phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất.
Theo LS Lượng, nếu người nhặt được không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì tùy theo giá trị tài sản người nhặt được có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự.
Đối với xử phạt hành chính, theo LS Lượng, nếu nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cũng tại Nghị định trên, nếu nhặt được, không trả lại hoặc không báo cho cơ quan có thẩm quyền mà còn sử dụng trái phép tài sản đó thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Về xử phạt hình sự, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, căn cứ pháp lý điều 176 tội chiếm giữ trái phép tài sản BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, ai nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên.
LS Trang nhấn mạnh: "Người nào nhặt được của rơi phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đã nhặt được". 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.