Nhiều ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng

Liên Châu
Liên Châu
03/02/2021 09:15 GMT+7

Chiều 2.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long , Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), họp trực tuyến với các địa phương, về phòng chống dịch, liên quan ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cho biết mỗi ngày tỉnh Hải Dương thực hiện được hơn 10.000 ca xét nghiệm Covid-19, đến nay đã xét nghiệm hơn 30.000 mẫu. Tại Quảng Ninh, năng lực xét nghiệm 2.000 mẫu/ngày, nếu xét nghiệm gộp thì 10.000 mẫu/ngày. Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 5 tấn hóa chất và 5.000 viên khử khuẩn; 5.000 bộ trang phục, 100.000 khẩu trang chống dịch.
Ông Long lưu ý, TX.Đông Triều (Quảng Ninh) cần được phong tỏa rộng. Tại điểm có ca nhiễm phải phong tỏa chặt hơn. Cần xét nghiệm có kết quả sớm để xác định chính xác nhằm ổn định sản xuất và sinh hoạt của người dân. “Hiện công suất của Quảng Ninh đạt 10.000 mẫu gộp là không ổn, vì Đông Triều có 200.000 dân nên cần tăng công suất xét nghiệm hơn nữa”, ông Long đánh giá.

Sáng 3.2: Hà Nội và 3 địa phương khác thêm 9 ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Nguy cơ cao

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Gia Lai báo cáo sau khi có ổ dịch đầu là hai vợ chồng từ H.Nam Sách (tỉnh Hải Dương) về, tỉnh đã lấy 6.500 mẫu trong đó 12 ca dương tính. Tất cả ca bệnh đều không triệu chứng, chỉ 1 ca có biểu hiện là bệnh về tiêu hóa, nên Bệnh viện (BV) tỉnh Gia L/ai không phát hiện được ngay khi bệnh nhân (BN) này đến khám.
Thông tin về các nguy cơ lây nhiễm, đại diện Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 thuộc BCĐ, khuyến cáo Gia Lai hiện là tỉnh nguy cơ nhất, vì ca đầu tiên xuất hiện đã rất lâu, từ ngày 18.1, là những người trên xe đưa dâu về H.Nam Sách, đã qua 14 ngày, tăng nguy cơ lây lan. “Xe đưa dâu ở H.Nam Sách là xe siêu lây nhiễm, cả xe đã dương tính hết, lái xe cũng đã nhiễm”, chuyên gia nói.
Trước khả năng lây lan nhanh Covid-19, ông Long đặc biệt yêu cầu các địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng đẩy nhanh xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm F1 và tăng tốc truy vết để phát hiện sớm ca bệnh. “Dịch lần này tỷ lệ BN không triệu chứng cao, hoặc triệu chứng rất mờ nhạt vì nhiều ca mắc là người trẻ. Có BN được phát hiện khi khám bệnh khác chứ không khám Covid-19”, ông Long lưu ý.

"Điểm nóng" Covid-19 ở Quảng Ninh vẫn chuẩn bị đón Tết an toàn giữa đại địch

Việt Nam phát hiện vi rút tương tự chủng biến thể mới ở Anh

Cùng ngày 2.2, Bộ Y tế xác nhận các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gien vi rút SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của các BN Covid-19. Kết quả cho thấy 11/16 mẫu có trình tự gien tương tự vi rút B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12.2020). Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu và hiện đã xuất hiện ở 60 nước.
Liên quan chủng B.1.1.7, chiều 1.2, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng thông tin qua giải mã bộ gien SARS-CoV-2 ở BN 1660 đang điều trị tại BV (có yếu tố dịch tễ liên quan đến TP.Hải Dương), do BV này phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện, cho thấy BN mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7.

Bình Dương mở rộng khu phong toả vì nữ sinh mắc Covid-19, hàng quán vắng hoe

Trước đó, trường hợp nữ công nhân ở Công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương) được phát hiện mắc Covid-19 khi vừa tới Nhật Bản. Kết quả giải trình tự gien phía Nhật cho thấy BN nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 của Anh. Từ thông tin của trường hợp này, Việt Nam đã tiến hành hàng loạt biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm diện rộng, tới nay phát hiện nhiều ca bệnh liên quan ổ dịch này.
Cuối tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng đã phát hiện chủng vi rút biến thể mới của Nam Phi trên các BN Covid-19 là người nhập cảnh. Đây là chủng có khả năng lây nhiễm nhanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.