Nhóm tàu Hải Dương 8 Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/08/2019 00:00 GMT+7

Bộ Ngoại giao ngày 8.8 cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam.

Các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi

Ngày 8.8, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết những diễn biến mới nhất về nhóm tàu Trung Quốc tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay vào chiều 7.8 nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn đồng thời cho biết, liên quan tới việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS 1982. “Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Tiếp tục trả câu hỏi của PV đề nghị cho biết các biện pháp đã và sẽ thực hiện nếu nhóm tàu của Trung Quốc có dấu hiệu tiếp tục vi phạm, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Như tôi đã nói, Việt Nam luôn kiên quyết kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình được quy định tại luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Liên quan tới vấn đề này, một PV đề nghị người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết bà có nhận định rằng việc nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động tại bãi Tư Chính và gần như sau đó phía Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc không? Trả lời câu hỏi trên, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông cũng như ở khu vực và trên toàn thế giới là lợi ích chung của tất cả các quốc gia. “Các nước trong khu vực và trên thế giới cần có đóng góp thiết thực vào mục tiêu chung này. Quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc huấn luyện quân sự tại quần đảo Hoàng Sa cũng như những vi phạm nghiêm trọng vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tôi đã nêu nhiều lần. Tôi cũng vừa cập nhật thông tin và trả lời câu hỏi liên quan của các bạn PV về vấn đề này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Trước đó, từ ngày 4.7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có những hoạt động phi pháp, vi phạm nghiêm trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế phía đông nam của Việt Nam. Tàu này thuộc sở hữu của Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc (CGS). Tiếp đó, ngày 5.8, Cục Hải sự Hải Nam ngang nhiên thông báo quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong hai ngày 6 và 7.8.
Trong những ngày qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình. Quan ngại của Việt Nam về diễn biến trên Biển Đông cũng đã nhận được sự chia sẻ của nhiều đối tác trong khu vực và cộng đồng quốc tế, thông qua nhiều hình thức, trong đó có các cuộc đối thoại thẳng thắn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan từ ngày 29.7 - 3.8.
Nhóm tàu Hải Dương 8 Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 8.8

Ảnh: Ngọc Thắng

Sách giáo khoa Trung Quốc chứa thông tin sai sự thật về Biển Đông

Liên quan tới thông tin PV nêu về việc tàu sân bay lớn nhất của Mỹ hoạt động ở Biển Đông trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp và đề nghị người phát ngôn bình luận, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam đã nhiều lần khẳng định tôn trọng quyền tự do an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế. “Việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn các nước đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu đó”, người phát ngôn nói. Truyền thông quốc tế trước đó đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã đi qua Biển Đông trước khi ghé thăm cảng ở vịnh Manila, Philippines vào ngày 7.8.
Một vấn đề khác cũng được PV đặt ra tại cuộc họp báo chiều 8.8 là việc báo chí Trung Quốc thông tin rằng nước này sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới dành cho bậc trung học phổ thông, trong đó có nội dung các khu vực như biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại. Nêu quan điểm về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. “Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng thông tin trái sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hai nước”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, sách giáo khoa lịch sử mới cho cấp trung học phổ thông được sửa đổi và phân phối, sử dụng tại tất cả các trường trung học ở Trung Quốc đại lục từ tháng 9. Sách mới có nội dung sai lệch và trái luật pháp quốc tế khi nói Biển Đông là “lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”, và “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên và quản lý các khu vực đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.