Những khu vực nào của TP.HCM sẽ bị cấm xe máy?

02/03/2019 12:00 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế và tiến đến cấm xe máy vào một số khu vực trung tâm, trước hết, TP.HCM cần phải có phương tiện thay thế phục vụ cho người dân.

Sở GTVT TP.HCM vừa trình Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP.HCM. Nếu đề án được thông qua, TP.HCM sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5, 10) vào giai đoạn 2025 - 2030.

Lộ trình dự kiến cấm ở nội đô

Trả lời PV Thanh Niên vào ngày 28.2, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết khu vực ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh (trong khu vực 4 quận trung tâm 1, 3, 5, 10) vào năm 2030 giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Châu Văn  Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.
Giai đoạn đến 2020 sẽ tiến hành thí điểm ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh trên một số tuyến theo thời gian.
Cụ thể, ngưng hoạt động trên một số tuyến vào giờ cao điểm sáng và chiều gồm: Trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình); Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ giao Cách Mạng Tháng Tám đến giao Đinh Tiên Hoàng (Q.1); Võ Thị Sáu đoạn từ giao Đinh Tiên Hoàng đến giao Tôn Đức Thắng (Q.1).
Ngưng hoạt động trên một số tuyến từ 7 giờ 00 đến 19 giờ 00 gồm: Đường Pasteur đoạn từ giao Lý Tự Trọng đến giao Điện Biên Phủ (Q.1); Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ giao Điện Biên Phủ đến giao Lý Tự Trọng, Q.1).
Giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh trên địa bàn Q.1 vào năm 2025. Khu vực ngưng hoạt động giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ.
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh khu vực Trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 5, 10 vào năm 2030 khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (gồm xe buýt, buýt đường sông, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT, xe đạp công cộng...) đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, đồng thời cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống vận tải hành khách công cộng đạt dưới 500 m.

Cấm xe máy, người dân đi lại bằng gì?

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng đặc điểm cấu trúc đường của TP.HCM chủ yếu là đường nhỏ, nhiều hẻm sâu nên xe buýt không thể tới gần. Vì thế, phương tiện di chuyển hiện nay phần lớn là xe máy vì tiện lợi, phù hợp và tối ưu nhất. Nếu muốn xóa bỏ xe máy trong hơn 10 năm nữa thì trong thời gian này, TP.HCM phải thay đổi lại cấu trúc hệ thống đường giao thông để đạt tiêu chuẩn của đô thị, và tập trung xây dựng đô thị theo định hướng giao thông công cộng mới thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đồng tình và cho rằng TP.HCM phải tính đến phương án thay thế phương tiện cho người dân khi tiến hành kiểm soát xe cá nhân. Trước tiên, phải tăng cường, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân tham gia sử dụng. Khi vận tải hành khách công cộng đã đảm nhận tốt vai trò của mình thì mới tiến đến hạn chế để kiểm soát xe cá nhân, trong đó gồm có xe gắn máy và xe ô tô.
"Hiện nay, lượng xe buýt của TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu đi lại của người dân và rất nhiều người dân sử dụng xe máy để đi lại vậy nếu muốn hạn chế xe gắn máy thì phải tính phương án người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện nào?", PGS-TS Phạm Xuân Mai đặt vấn đề. 
Để thu hút người dân sử dụng xe buýt, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết trong thời gian tới sẽ triển khai bộ đơn giá định mức mới, phương án trợ giá mới góp phần ổn định hoạt động các đơn vị vận tải. Đồng thời rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện hữu, nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý điều hành như: Thí điểm vé thông minh trên một số tuyến xe buýt... Và tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (hệ thống bến bãi, điểm dừng, nhà chờ) tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vận tải hành khách công cộng...
Các chuyên gia cho rằng việc TP.HCM muốn hạn chế và tiến đến cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm đến năm 2030 chắc chắn không bị phản đối nếu giải được bài toán phương tiện thay thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.