Những mảnh đời ba gác: Hai mảnh đời khốn khổ

Quang Viên
Quang Viên
12/03/2021 06:40 GMT+7

Một người đang ở nhà thuê, vợ chết bỏ lại 4 đứa con thơ dại, có đứa chưa đầy một tháng tuổi. Người kia bị bạn chạy ba gác hãm hại phải cắt bỏ hẳn một chân nhưng vẫn gắng mưu sinh...

Xót xa cảnh gà trống nuôi con

Tôi tìm đến căn phòng trọ ở ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM, nơi 5 cha con anh Bùi Minh Luân (37 tuổi) tá túc. Trong căn phòng chừng 10 m2, đặt chiếc bàn thờ luôn nghi ngút khói nhang. Mấy đứa con anh Luân ngơ ngác nhìn tôi rồi nói: “Ba con mới bồng em qua gửi nhà hàng xóm”.
Đợi một lúc, anh Luân cũng về, trên tay bế đứa con còn đỏ hỏn. “Vợ em mới mất. Mấy tháng đầu ở nhà lo cho các con, nhưng giờ không còn gì để sống phải gửi bé mới sinh tranh thủ chạy cuốc xe”, anh Luân ngậm ngùi tâm sự. Minh Nhân, đứa con mới sinh, đói sữa khóc thét. Người cha lật đật lấy hộp sữa đổ vào chai cho con bú, rồi đưa võng ầu ơ: “Đêm nằm nước mắt láng lai/Tay cha bồng con dại, miệng cha nhai hột ngọc trời/Phần cha không sữa con ơi/ Nhai cơm, sún nước ăn chơi cho cha nhờ”. Giọng hát buồn não nùng nhưng Luân không khóc. Anh không khóc mà tôi thì rưng rưng. Hình như người đàn ông này đã khóc hết nước mắt từ ngày vợ anh ra đi đột ngột rồi.
“Quê em ở An Giang. Do khổ quá nên lên Sài Gòn chạy ba gác thuê cho cửa hàng vật liệu xây dựng. Bà xã quê Bình Thuận lên đây cũng đi làm thuê. Hai đứa cùng khổ nên thấu hiểu nhau rồi lấy nhau”, Luân bộc bạch. Không có tiền sắm xe ba gác, anh Luân chấp nhận chạy xe ba gác thuê với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền lương của vợ mỗi tháng gia đình anh có hơn 10 triệu. 9 năm, vợ anh Luân đẻ sồn sồn 4 đứa con, đứa đầu nay chỉ 10 tuổi. Vì thế, để trang trải tiền thuê nhà, ăn uống, chi phí học tập cho con... là một cái gánh quá nặng. “Liệu cơm gắp mắm vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng em vẫn cố gắng cho các con ăn học. Được cái là hai đứa lớn đứa nào cũng chịu học. Thằng thứ 2 năm nào cũng có giấy khen. Nhưng giờ vợ mất rồi, không biết cuộc đời cha con em sẽ về đâu”, Luân bùi ngùi.
Những mảnh đời ba gác: Hai mảnh đời khốn khổ1

Ai cũng cám cảnh gà trống nuôi con của anh Luân

Cảnh anh Luân gà trống nuôi 4 đứa con quá tội nghiệp. Căn phòng bừa bộn như ổ chuột. Bếp lạnh ngắt. Những vỏ mì tôm vung vãi khắp nơi. “Nếu không gửi được bé mới sinh, em chỉ còn cách bế con suốt ngày. Nếu gửi được cu Nhân thì chạy ra mua cơm bình dân về ăn, còn không thì cha con em mì tôm qua cơn đói”, anh Luân nói.
Mì tôm và sữa hộp là của một số người mang tới cho. Khi còn vợ cũng đã túng thiếu quanh năm, nay thì cha con anh Luân khốn cùng hơn. Mở cái ví cũ, Luân phân trần: “Trong túi em còn có hơn hai triệu đây thôi. Ông chủ vẫn kêu chạy xe, nhưng ôm con dại như vậy chẳng thể nào chạy được. Không lẽ mỗi lần chạy xe lại bế con sang gửi hàng xóm”. Tôi hỏi: “Sao không gửi con cho phía nội hoặc phía ngoại ở quê?”. Luân cho biết: “Ông nội sống một mình và đi làm thuê, mà em đã gửi bé Minh Nghĩa cho nội. Còn bà ngoại ở Bình Thuận cũng khó khăn, đơn chiếc, bệnh tật chẳng thể nhờ cậy được”.
Nhìn những đứa bé thơ dại mồ côi ai mà không mủi lòng. Thấy Ngọc Vy (8 tuổi), Xuân Vỹ (7 tuổi) chia nhau những cuốn vở các nhà hảo tâm tặng, tôi hỏi: “Cháu có nhớ mẹ không?”. Ngọc Vy rơm rớm nước mắt: “Con nhớ mẹ lắm. Đêm nào cũng mơ thấy mẹ. Mẹ mất, cha cứ cho ăn mì tôm không à”.

Cám cảnh anh ba gác cụt chân

Thật khó hình dung một người cắt gần hết một chân vẫn mưu sinh bằng nghề chạy ba gác. Nhưng, với Từ Quang Tú (31 tuổi), hiện tại công việc chạy ba gác vẫn là cần câu cơm.
Từ vùng quê nghèo ở Thái Bình, anh Quang Tú vào Đồng Nai mưu sinh. Tú vay mượn tiền mua được chiếc ba gác chở sầu riêng bỏ mối. “Công việc đang rất thuận lợi, mỗi tháng kiếm mấy chục triệu. Rồi tình cờ em quen chú Lâm Hồng Phước. Chú kể hoàn cảnh rất tội, lại cũng buôn bán sầu riêng lẻ nên em cho làm cùng. Ai ngờ chú hãm hại em vì muốn chiếm mối”, Quang Tú kể.
Những mảnh đời ba gác: Hai mảnh đời khốn khổ2

Cụt chân, Từ Quang Tú vất vả với việc khuân vác hàng hóa

ẢNH: QUANG VIÊN

Tú nhớ như in ngày tai họa. Đó là ngày 28.4.2018. 11 giờ đêm hôm trước, Tú cầm tài chở ông Phước từ Biên Hòa (Đồng Nai) xuống Cai Lậy (Tiền Giang) lấy sầu riêng. Trên đường về đến gần Biên Hòa, ông Phước bất ngờ kêu đổi tài, còn Tú xuống ngồi bên thùng đồ bên trái xe. Ông Phước đang chạy giữa đường bình thường, nhưng khi chạy lên cầu Hóa An thì đột ngột sang trái ép Tú vào thành cầu.
“Lúc đó chân trái em bị ép giữa xe và lan can cầu nát bét, máu chảy lênh láng. Em kêu chú ơi cứu cháu với! Nhưng ông Phước chửi thề, rồ ga làm em ngã xuống đường và lùi xe cán qua chân phải em rồi bỏ em một mình. Em được một chú cũng chạy xe ba gác đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau này, chú đó nói đưa em vô bệnh viện nhưng nghĩ là em chết rồi”, chàng ba gác tội nghiệp kể.
Ông Phước đã bị khởi tố. TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt Phước 3 năm tù giam, buộc Phước tiếp tục bồi thường chi phí điều trị và các tổn thất khác cho Quang Tú số tiền 314.463.000 đồng và cấp dưỡng cho Quang Tú đến hết đời. “Thế nhưng cho đến nay ông Phước chưa trả một đồng xu nào theo quyết định của tòa án”, Quang Tú bức xúc. Theo tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, Lâm Hồng Phước đã từng bị TAND tỉnh Bình Định xử về tội giết người và cướp tài sản công dân vào năm 1988.
Tú cho biết vợ làm điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa) với mức lương 7 triệu đồng một tháng. Hai con nhỏ và vợ chồng Tú vẫn tá túc trong căn phòng thuê chật hẹp. “Bị cắt bỏ cả khúc chân tới đùi, xương đùi còn bắt 9 đinh, bác sĩ nói em không thể làm việc nặng, nhưng túng thiếu quá phải chạy ba gác anh ạ”, Tú tâm sự. Thật khó hình dung một người thương tật như Tú xoay xở thế nào để chạy ba gác chở hàng hóa nặng, cồng kềnh. Thế nhưng, với Tú hiện nay không còn cách nào khác kiếm sống ngoài việc chạy ba gác.
Hôm đó, tôi có dịp theo chân chàng ba gác cụt chân đến một chung cư chở một số vật dụng nội thất đến nơi khác cho một người. Chống nạng nặng nhọc đi từng bước, song Tú cố gắng chuyển từng món đồ lên xe, mồ hôi ướt đẫm gương mặt. Những vật dụng nặng, cồng kềnh hơn, Tú phải nhờ đến sự trợ giúp của chủ nhà. “Cuốc này được 300.000 anh ạ. Vất vả nhưng có tiền trang trải cuộc sống cũng phải ráng”, Tú thổ lộ. Tôi hỏi: “Nếu chở hàng hóa nặng hơn thì phải làm sao?”. Tú cho biết: “Em kêu một người bạn phụ giúp. Chia nhau tiền mà sống”.
(còn tiếp)

Cần sự giúp đỡ

Khi tôi viết xong loạt bài, anh Bùi Minh Luân gọi điện cho biết hiện nay cuộc sống của cha con anh thật sự lâm vào bế tắc. Những bữa cơm chỉ cần đủ no để tồn tại là ao ước lớn nhất của anh Luân lúc này. Trong nhà anh Luân chỉ còn vài thùng mì tôm cuối cùng của những nhà hảo tâm giúp đỡ. Còn chàng ba gác cụt chân mòn mỏi chờ cơ quan thi hành án TP.Biên Hòa (Đồng Nai) có biện pháp nhằm bắt buộc bị cáo Lâm Hồng Phước thực hiện nghĩa vụ mà tòa án đã phán quyết để tiếp tục điều trị bệnh và trang trải cuộc sống.
Mọi sự giúp đỡ anh Bùi Minh Luân hoặc anh Từ Quang Tú xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau:
Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên.
Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM.
Nội dung ghi: Giúp đỡ anh Bùi Minh Luân, anh Từ Quang Tú hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trên cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình hai anh này trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.