Những mảnh đời ba gác: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Quang Viên
Quang Viên
11/03/2021 07:00 GMT+7

Mưu sinh bằng xe ba gác là một nghề rất vất vả, và hầu hết xe ba gác đang lưu hành hiện nay không có giấy tờ nên nếu bị xử phạt mạnh tay, các tài xế ba gác chỉ còn biết... khóc.

Sau thời gian tham gia các diễn đàn của những người chạy ba gác, tôi được Lương Ngọc Anh, nhóm trưởng của Hội Ba gác Sài Gòn, tập hợp các chiến hữu chạy ba gác để gặp gỡ trò chuyện.
10 giờ sáng, tôi đến quán cà phê bình dân nằm ở khu Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM). Những người chạy ba gác thường “ngồi đồng” ở đây chờ khách gọi chở hàng. Họ đốt thuốc lá rẻ tiền như điên. Có người mang theo cả điếu cày để hút thuốc lào. Ai cũng muốn trải hết nỗi lòng về cái nghề “bào xa lộ” (từ của dân ba gác hay dùng) thấm cả mồ hôi, nước mắt.

Tài xế ba gác không khác gì phu khuân vác

Nơm nớp lo bị phạt

“Ngồi đồng ở đây cả ngày là chuyện bình thường. Có anh em hai ngày rồi không có cuốc xe nào”, Lương Ngọc Anh tâm sự. Những năm về trước xe ba gác còn ít, người có xe chạy không hết hàng dễ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Còn bây giờ, xe ba gác “đông như quân Nguyên”, kiếm được mối hàng rất khó. Nhưng khi có hàng để chạy “trót lọt” cũng không dễ. Dân chạy ba gác có thơ vui rằng: “Ra đường thì sợ công an/Về nhà thì sợ cô nàng sống chung”. Bởi vì, nếu không may gặp CSGT thổi lại thì hầu như kiểu gì cũng dính vi phạm. Còn cô nàng sống chung chính là cô vợ ở nhà ngóng chồng mang tiền về. Theo những người hành nghề chạy ba gác, chỉ có khoảng 5 - 7% xe ba gác đang lưu thông có giấy tờ, nhiều người không có bằng lái. “Dân chạy ba gác gặp mấy anh CSGT tuýt còi chỉ có nước xin thương tình phạt nhẹ. Nếu các anh không “thương” làm tới thì đành bỏ xe, vì hầu hết xe ba gác đâu có giấy tờ”, Ninh Văn Du, quê Hải Phòng, tâm sự.
Vì rất sợ CSGT phạt, tịch thu xe, nên những người chạy xe ba gác phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để né. Họ cập nhật thường xuyên trên điện thoại để biết các chiến hữu chia sẻ lộ trình nào có CSGT chốt. Khi chạy xe trên đường, mắt phải như... cú vọ nhằm phát hiện CSGT từ xa để tấp vào hẻm “ngồi đồng” chờ các chiến sĩ CSGT rời chốt. Chọn đường hẻm, chạy khuya cũng là cách để hạn chế gặp CSGT. Có một số người chạy xe ba gác thủ các loại “bùa hộ mệnh” để phân bua, xin xỏ CSGT bỏ qua. Có thể đó là giấy xác nhận hộ nghèo, quyết định hết hạn tù, giấy chứng nhận xuất ngũ... “Những giấy tờ này đúng ra không có giá trị gì để tránh bị xử phạt hay bị tịch thu xe cả. Nhưng một số anh CSGT cũng thông cảm cho qua vì họ biết hoàn cảnh, nhân thân của mình như thế nên du di”, một người chạy xe ba gác thổ lộ.

“Những năm trước thấy chạy xe ba gác ở thành phố lớn dễ kiếm ăn nên ai cũng đổ về đây mua xe để chạy. Giờ ba gác ở các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương quá đông, phải đổ mồ hôi nhiều hơn mới kiếm được tí tiền. Cảnh bị khách hàng ép giá, chửi nặng nhẹ ai chạy ba gác cũng đã nếm trải rồi. Chở món hàng dễ vỡ, có giá trị phải bảo vệ cẩn thận, nếu có sự cố thì đền trắng máu. Còn nếu bị CSGT phạt thẳng thừng thì coi như trắng tay”.    

Đoàn Văn  Dương, quê Đắk Nông, chạy xe ba gác

Dù nghĩ đủ thứ “chiêu” để tránh CSGT, nhưng đã làm nghề chạy ba gác không ai tránh được chuyện bị phạt. Nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì mất luôn xe. “Có những ngày thiệt xui, chạy một cuốc xe chở hàng với giá chưa tới 500.000 đồng, qua bốn quận bị phạt cả bốn. Chốt cuối cùng bị thổi lại, em xuống xe ngồi khóc luôn. Tài xế ba gác khóc, nhất là những anh em mới vào nghề không phải là chuyện hiếm”, chàng ba gác tên Chương, quê Tiền Giang, thổ lộ. Nhưng, như Lương Ngọc Anh nói: “CSGT phạt là có lý do của họ. Chẳng ai bị phạt mà không vi phạm lỗi”.
Tuy nhiên, hầu hết các tài xế ba gác cho rằng việc quản lý hoạt động xe ba gác còn nhiều bất cập. Theo họ, các loại xe ba gác có giấy tờ hầu hết là xe nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều năm trước. Bây giờ loại này đều đã xuống cấp. Trong khi đó, xe đóng mới trong nước, xe tự chế không có giấy tờ nhưng chất lượng tốt hơn. Vì thế, họ cho rằng các cơ quan chức năng nên kiểm định hết xe ba gác, nếu chiếc nào đảm bảo tiêu chuẩn thì cấp phép cho họ để hoạt động đàng hoàng kiếm sống.
Những mảnh đời ba gác: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Anh ba gác Phạm Quang Sanh rơi nước mắt khi bị thổi phạt

ảnh: chụp màn hình

Kiêm việc khuân vác

Tôi “đặt hàng” Lương Ngọc Anh cho tháp tùng vài chuyến đi chở hàng. 7 giờ tối, Lương Ngọc Anh gọi tôi theo anh chở hàng ở Q.10, TP.HCM. Ngọc Anh bảo tôi ngồi lên thùng bên trái tay lái. Ban đầu tôi rất tự tin. Nhưng khi chiếc xe rồ ga, tiếng pô nổ như máy cày rồi lắc lư lao đi và sau đó luồn lách vào những con hẻm chật hẹp, tôi bắt đầu ớn. “Anh lần đầu ngồi xe ba gác sợ là đương nhiên. Ngồi cả ngày về ngủ không được luôn, vì bị ám ảnh khi đối diện với các phương tiện lưu thông trên đường và ê người do xe xóc, rung lắc”, Ngọc Anh nói.
Đến nơi chở hàng, Ngọc Anh cầm khoan, tua vít lên tầng hai hì hục tháo tủ. Thao tác của chàng ba gác không thua gì thợ lắp ráp nội thất chuyên nghiệp. Sau đó, Ngọc Anh lên tầng bốn để chuyển máy giặt. “Ai sẽ khiêng máy giặt này xuống với em?”, tôi hỏi. Ngọc Anh đáp: “Một mình em chứ ai”. Tôi không thể tưởng tượng chiếc máy giặt nặng khoảng 80 kg ở tầng bốn, lối xuống cầu thang bộ chỉ rộng hơn chiều ngang chiếc máy giặt một chút thì một mình Ngọc Anh chuyển xuống đất bằng cách nào. Loáng cái, chàng ba gác có thân hình như lực sĩ này lấy hết sức bình sinh, nghiến răng đưa chiếc máy giặt lên lưng rồi cõng xuống. Đến tới đất, anh dựa hẳn vào chiếc máy giặt, mồ hôi vã ra như tắm, thở hổn hển rồi nói: “Dân chạy ba gác không khác gì phu khuân vác. Phải cõng, phải vác bất cứ loại hàng gì. Có thứ nặng kinh khủng cũng ráng mà làm. Hơn 90% dân chạy ba gác, người nào cũng đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm”, Ngọc Anh bộc bạch.
Những mảnh đời ba gác: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Nhiều khi người chạy xe ba gác phải làm luôn công việc tháo, lắp nội thất

Tôi lên Thủ Dầu Một gặp Hội Ba gác Bình Dương. Ai cũng nói một câu tương tự rằng phải chịu khó, chịu khổ, thậm chí chịu nhục nữa mới có thể làm nghề chạy ba gác được. Nguyễn Khắc Tâm (sinh năm 1989, quê Thanh Hóa) trải lòng: “Chờ chực cả ngày mới được cuốc hàng. Khuya mấy, xa mấy cũng chạy. Nhiều lúc “bào” như điên trên đường để kịp thời gian giao hàng nên cả ngày chỉ ăn một cái bánh mì”. Nhưng bỏ phố về quê tiếp tục hành nghề ba gác như anh Nguyễn Văn Quyết ở Nghệ An cũng chẳng sướng hơn. “Chở hàng ở quê lấy giá rẻ hơn ở các thành phố lớn. Ở thành phố cứ chất hàng lên xe là có ít nhất 150.000 đồng, ở quê chỉ 50.000 đồng thôi. Trường hợp chở hàng vào bản làng thì đường rất khó đi. Có khi lật xe hư hàng phải đền”, anh Quyết nói.
Dành nhiều thời gian thâm nhập tìm hiểu đời sống của những người chạy xe ba gác, tôi thấy hầu hết họ đều có cuộc sống rất khó khăn. Phần lớn họ ở nhà thuê, thậm chí có những người lấy chiếc ba gác làm nhà. Sài Gòn về đêm, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Thông hoặc trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần đường Hai Bà Trưng, các “bác tài bụi” qua đêm ngay trên phương tiện mưu sinh là bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.