Những nghị định cán bộ, công chức xã, vận động viên lưu ý trong tháng 6.2019

31/05/2019 13:18 GMT+7

Trong tháng 6.2019, hàng loạt quy định mới có hiệu lực pháp luật, như: Quy định mới về số lượng cán bộ, công chức cấp xã; Ưu đãi cho vận động viên thể thao thành tích cao...

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1, tối đa 23 người

Nghị định 34/2019/NĐ-CP, ngày 24.4.2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã, gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2; Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2...
Đặc biệt, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể, loại 1: tối đa 23 người; loại 2: tối đa 21 người; loại 3: tối đa 19 người.
Nghị định 34/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25.6.

Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Nghị định 33/2019/NĐ-CP 23.4.2019 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Điểm nổi bật của Nghị định này là quy định về các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm: thu hồi tài sản; điều chuyển tài sản; bán tài sản; sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; thanh lý tài sản; xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý; Tài sản được giao không đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích; cho mượn tài sản; Bán, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn, liên doanh, liên kết không đúng quy định; Tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định 33/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17.6.

Phạt 5 - 10 triệu đồng nếu tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng không được phép của chủ rừng

Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25.4.2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hành vi dịch chuyển mốc giới, ranh giới rừng hoặc chiếm rừng của chủ rừng khác; rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê, bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau: cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 5.000 m2; Rừng sản xuất có diện tích dưới 3.000 m2... Đặc biệt, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích 50.000 m2 trở lên; Rừng sản xuất có diện tích 20.000 m2 trở lên; Rừng phòng hộ có diện tích 15.000 m2 trở lên; Rừng đặc dụng có diện tích 10.000 m2 trở lên.
Đối với hành vi khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng, bị phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng đối với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau: Tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng; Tổ chức nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Phạt tiền từ 10 - 25 triệu đồng đối với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc một trong các trường hợp sau: Không lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; Lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng không phù hợp với đề án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định 35/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10.6.

Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được hưởng nhiều ưu tiên

Nghị định 36/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật Thể dục, thể thao sửa đổi trong đó có quy định chế độ ưu đãi với vận động viên thể thao thành tích cao. Theo đó, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm đối với vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định pháp luật. Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng; Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm.
Nghị định 36/2019/NĐ-CP cũng quy định điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phải có: nhân viên cứu hộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định; đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.
Nghị định 36/2019/NĐ-CP có hiệu lực ngày 14.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.