Những ngày này, tại TP.HCM, có hàng trăm điểm phong tỏa quy mô lớn nhỏ do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Mỗi khi có thông báo khu vực nào cần phong tỏa nhằm tầm soát Covid-19 thì địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng liên ngành xuống lập chốt phong tỏa, đảm bảo an toàn khu vực.
Lực lượng trực tại chốt là cán bộ công an, cán bộ CSGT hoặc cũng có thể là lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ tại địa phương điều phối tới. Và điểm chung của lực lượng trực ở các chốt kiểm soát là… không được, cũng không dám về thăm nhà, người thân.
|
Nhớ nhà nhưng không dám về
Lực lượng trực chốt ở các khu vực phong tỏa tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm Covid-19, do đó những người tham gia trực chốt hầu hết không về nhà mà phải ngủ tại đơn vị suốt nhiều tháng trời để đảm bảo an toàn cho người thân.
Tại chốt phong tỏa trên đường Nam Cao, thuộc khu vực phong tỏa P.Tân Phú (TP.Thủ Đức), dưới cái nắng oi bức, những người trực chốt liên tục hướng dẫn, kiểm tra, giải đáp thắc mắc của người dân và nhận đồ đạc giúp người dân trong khu phong tỏa.
Chiều muộn, trời đổ mưa, tổ công tác mặc sẵn áo mưa, hướng dẫn người phía ngoài chốt giao đồ cho người dân trong khu vực phong tỏa. Công việc trực chốt liên tục xoay vòng bất kể thời tiết, ngày đêm.
|
Trực tại chốt phong tỏa ở Khu phố 5, P.Linh Trung (TP.Thủ Đức), một thành viên của tổ trực chốt cho biết đã vài tháng rồi anh không về nhà, không dám về thăm người thân vì bận công tác, lo chống dịch và lo lắng sẽ lây bệnh cho người thân, trong trường hợp không may xảy đến với bản thân.
Sáng 11.7, UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) có thông báo phong tỏa Khu phố 8 trong 3 ngày để tầm soát Covid-19. Ngay sau đó, lực lượng công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố được phường chỉ đạo đến phong tỏa cửa ngõ ra vào khu phố này.
|
Trưa nắng, thời tiết càng oi bức, nhiều người dân phía trong khu phố 8 đổ về chốt phong tỏa, đưa đủ lý do để được ra khỏi khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, tất cả người dân đều được yêu cầu quay về nhà. Anh Trương Văn Trí (29 tuổi, bảo vệ dân phố) cũng khàn cổ họng vì liên tục nhờ: “Bà con thông cảm quay về dùm!”.
'Nhớ nhà lắm mà chỉ đi ngang qua nhìn thôi !'
Anh Trí cho biết do có chỉ đạo không được cho người dân tự ý rời khỏi khu phong tỏa nên lực lượng cũng kiên quyết. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn cãi lý khiến anh Trí cùng các đồng chí tại chốt cũng nhiều phen “nóng mặt”.
Tâm sự với Thanh Niên, anh Trí kể mình đã gắn bó với công việc bảo vệ dân phố được hơn 6 năm. Tuy mỗi năm mỗi việc mệt khác nhau vì phục vụ người dân tại địa phương nhưng chưa bao giờ mệt mỏi như những ngày này.
|
Dịch Covid-19 dồn dập khiến anh Trí cùng 5 anh em khác tại Khu phố 7 đều phải tăng cường, ngủ tại đơn vị trong suốt vài tháng nay. “Tính ra cũng hơn 2 tháng tôi chưa về nhà mặc dù nhà không xa khu phố, 5 anh em khác cũng như tôi vậy. Nhớ nhà dữ lắm mà mình làm tuyến đầu chống dịch, lỡ về rồi bị gì thì phiền gia đình lắm nên chỉ đi ngang qua nhìn thôi!”, anh Trí nói.
Tương tự, anh Nguyễn Phúc Việt (26 tuổi, lực lượng dân quân tự vệ ở P.Hiệp Bình Chánh) cũng “thèm” được về nhà nhưng lại không dám. “Đơn vị tôi có khoảng 10 anh em thì đều sinh hoạt tại đơn vị trong thời gian chống dịch này. Mình đi vùng nguy hiểm rồi nên không dám về nhà, nhớ nhà lắm nhưng đợi xong nhiệm vụ đã”, anh Việt nói.
|
Kể với chúng tôi, anh Việt cho biết mình còn một người em trai cũng tham gia lực lượng dân quân tự vệ và đang trực tại một chốt phong tỏa trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh. Anh Việt tâm sự: “Nhà có 2 anh em mà nay đi trực hết, chắc hơn 2 tháng rưỡi nay không về nhà luôn. Gia đình gọi nhắc hoài nhưng biết sao giờ!”.
Trò chuyện với chúng tôi vài phút, anh Việt uống vội miếng nước rồi tiếp tục đội công việc dẫn người dân giao nhận hàng tại chốt phong tỏa.
Bình luận (0)