Tối 12.7, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có văn bản thông báo phong tỏa địa bàn P.Bình Chiểu từ 0 giờ ngày 13.7 cho đến khi có thông báo mới.
Mua nhu yếu phẩm về dùng để hạn chế ra ngoài
Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 20 giờ cùng ngày, tại các tiệm tạp hóa trên đoạn đường Ngô Chí Quốc thuộc P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức đã tấp nập người dân đến mua nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, trứng...
Bà M.P chủ tiệm tạp hóa trên đường Ngô Chí Quốc cho biết, từ tối đến giờ bà bán hàng không ngơi tay... Để hạn chế việc tiếp xúc với khách, bà phải giăng dây trước cửa tiệm kèm theo thông báo "xin giữ khoảng cách 2 m, không tụ tập quá 3 người".
|
"Ban đầu tôi cũng chưa biết tin phong tỏa P.Bình Chiểu từ 0 giờ khuya nay đâu, nhưng thấy khách mua hàng ngày càng đông hỏi ra mới biết sắp phong tỏa phường. Tôi đang đặt thêm trứng để bán mà không biết có đủ để bán không. Thôi giờ dịch phức tạp, nếu phong tỏa 14 ngày thì mình cũng phải chấp hành", bà M.P chia sẻ thêm.
|
Còn anh Th. nhà trong hẻm 185 Ngô Chí Quốc cũng đang hối hả khiêng hai bao gạo để lên xe chở về nhà. "Tôi tranh thủ đi mua gạo để về nhà dùng dần, giờ phong tỏa thì ở nhà hạn chế ra đường cũng là một trong những cách tốt nhất để phòng bệnh", anh Th. nói.
Xin nghỉ ở công ty, làm việc tại nhà
Sau khi nhận được thông báo phong tỏa, nhiều người dân sống tại P.Bình Chiểu cũng đã chủ động liên hệ công ty để ở nhà cách ly.
Bà P.T.H.C (41 tuổi, Kế toán trưởng tại một công ty ở Bình Dương) có nhà ở hẻm 185 Ngô Chí Quốc, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức cho biết, từ sau khi có Chỉ thị 16, do công ty bà làm việc tại Bình Dương nên mỗi lần đi làm phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 và có giấy "thông hành" của công ty mới được qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ TP.HCM nên bà đã hạn chế lên công ty làm việc, trừ khi có việc gấp.
"Tình hình dịch bệnh căng thẳng nên mấy hôm trước tôi cũng đã mua 10 kg gạo với một ít rau, thịt... để ăn dần, hạn chế việc ra ngoài. Chiều nay tôi vừa đi làm về thì hay tin phong tỏa cả P.Bình Chiểu. Ban đầu nghe tin cũng hơi hoang mang, nhưng bạn bè và gia đình gọi điện thoại trấn an tôi cũng thấy đỡ rồi. Tôi mới báo cáo với công ty và mấy ngày tới sẽ xin nghỉ để ở nhà cách ly, chờ lấy mẫu xét nghiệm", bà C. cho biết thêm.
|
Còn anh N.V.H (26 tuổi, làm việc trong Khu công nghệ cao TP.HCM) cho biết, sau khi nhận được tin phong tỏa, phía công ty anh đã đề nghị thuê khách sạn cho anh ở để tiếp tục làm việc. "Ban đầu tôi cũng định ra khách sạn để ở vì tính chất công việc không thể làm tại nhà. Nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ lại và xin làm việc tại nhà, những việc không giải quyết được tại nhà sẽ nhờ đồng nghiệp trợ giúp. Vì ở trong khu phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm để theo dõi sẽ an toàn hơn", anh nói.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin vào ối 12.7, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có văn bản thông báo phong tỏa địa bàn P.Bình Chiểu từ 0 giờ ngày 13.7 cho đến khi có thông báo mới. P.Bình Chiểu có diện tích hơn 541 ha gồm 6 khu phố với 7 tổ dân phố.
Trong thời gian phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa trừ trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác. Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách người với người và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty.
|
Bình luận (0)