Những nhân viên cứu hộ bất đắc dĩ

12/07/2020 21:43 GMT+7

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, những lực lượng tại chỗ như nhân viên trạm kiểm soát liên ngành, dân quân, bộ đội biên phòng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn nhân.

Họ trở thành những nhân viên cứu hộ bất đắc dĩ ngăn việc phát sinh thêm trường hợp tử vong trong vụ tai nạn.

Cảnh tượng kinh hoàng

4 giờ 10 sáng 11.7, chiếc xe chiếc xe khách BS 36B - 022.32 (loại xe giường nằm 48 chỗ) do tài xế Mai Hải Nam (39 tuổi, trú tại H. Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, chạy từ tỉnh Thanh Hóa đi tỉnh Đắk Lắk.
Trên xe chở 40 người (gồm 5 người của nhà xe, hành khách có 26 người lớn và 9 trẻ em). Khi xe đến Km số 23+900 QL14C (thuộc địa phận xã Rờ Kơi, H.Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bất ngờ lao xuống vực sâu hơn 30 m. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 6 người và khiến 34 người khác bị thương.
Chiếc xe khách đã được kéo về gửi tại trạm bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Ảnh: ĐỨC NHẬT
1 ngày sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, chiếc xe đã được cẩu lên và đưa về gửi tạm tại Trạm bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Tại hiện trường, những đồ đạc, vật dụng trên xe vẫn còn bị vứt vương vãi khắp nơi. Người đi đường dừng lại cắm vội nén nhang cho những người xấu số. 
Chúng tôi đã trở lại hiện trường gặp những người tham gia cứu nạn. Họ là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường, hỗ trợ cứu những người gặp nạn 1 cách nhanh nhất có thể.
“Khoảng 4 giờ sáng 11.7, xe Minh Thắng đến chốt, phụ xe xuống chào tôi và xin tôi nâng barie để xe đi qua. Lúc lên xe, thằng nhỏ còn ngoái lại nói to “cháu đi nhá”. Có ai ngờ tôi là người cuối cùng gặp nó” - ông Chu Văn Bàn (51 tuổi, nhân viên Trạm kiểm soát liên ngành Đăk Rơ Mao, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), nhớ lại.
Người qua đường dừng lại thắp nhang cầu siêu cho những người xấu số.
Ảnh: ĐỨC NHẬT
Ông Bàn cho biết, sau khi xe đi qua 20 phút, thì điện thoại của ông reo lên, giọng Chủ tịch xã Rờ Kơi dồn dập trong máy về 1 vụ tai nạn xe khách và yêu cầu sự giúp đỡ của trạm. Ngay lập tức, ông Bàn cùng 2 nhân viên của trạm lao vào hiện trường cách đó tầm 5 km.
Là một trong những người đầu tiên tham gia cứu các nạn nhân ra khỏi xe, ông Bàn vẫn chưa hết ám ảnh bởi cảnh tượng kinh hoàng.
Lúc này, một số nạn nhân bị thương nhẹ đã bò được lên đường đứng ngồi lố nhố. Chiếc xe khách đi trượt khỏi khúc cua tay áo lao xuống vực sâu hơn 30m. Sau khi tông đổ 1 bụi tre, chiếc xe lật ngửa, biến dạng, tất cả cửa kính đều vỡ vụn. Có 2 người bị chiếc xe đè lên đã ngừng thở, 3 người khác bị kẹt bên trong xe đã tử vong.
Sau 1 phút trấn tĩnh, ông Bàn cùng mọi người tìm cách đưa những nạn nhân bị thương nặng ra ngoài trước, sau đó đưa những nạn nhân nhẹ hơn ra ngoài. Những người đã tử vong phải chờ cơ quan chức năng đến xử lý.
“Tiếp cận hiện trường, tôi phát hiện 1 phụ nữ bị kẹt, không thể di chuyển. Tôi vội xốc bà ấy lên vai, 1 tay giữ nạn nhân 1 tay bám vào bờ vực, bò lên. Nếu bình thường đi bộ 1 mình đã thấy mệt rồi, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ phải đưa nạn nhân lên nhanh phút nào là hy vọng sống của họ tăng lên chút ấy. Lên đến nơi vừa đặt bà ấy xuống đất tôi lại lao xuống chiếc xe để bế 1 cháu bé khác lên mặt đường” - ông Bàn kể lại.
Ông Bàn là 1 trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường và tham gia giải cứu các nạn nhân.
Ảnh: ĐỨC NHẬT

Không thể chợp mắt

Đưa thêm 1 nạn nhân khác ra khỏi xe, ông Bàn mệt lả, đôi chân run lên bần bật. Lúc này các ngành chức năng cũng đã đến đông dần nên ông Bàn bò lên mặt đường ngồi nghỉ lấy sức.
“Chừng này tuổi rồi, tôi chưa bao giờ chứng kiến 1 cảnh tượng thảm khốc đến vậy. Chẳng ai ngờ được ở cái chốn rừng xanh thế này lại khiến 6 con người phải mất mạng cả. Từ đêm qua đến sáng tôi có ngủ được đâu, trong số các nạn nhân có mấy đứa trẻ con, thương chúng nó còn bé quá…” - ông Bàn thở dài.
Cùng tham gia giải cứu các nạn nhân, anh A Lăk (23 tuổi, dân quân xã Rờ Kơi) kể, từ đêm qua đến nay anh chẳng thể chợp mắt. Có mặt tại hiện trường lúc 5 giờ sáng, A Lăk nhận nhiệm vụ cáng những người bị thương nặng lên mặt đường để đưa đi cấp cứu. Sau khi những người bị thương đã được chuyển đi, A Lăk lại tiếp tục cáng những nạn nhân xấu số.
“Từ nhỏ tới giờ tôi chưa thấy cảnh tượng nào hãi hùng như vậy. Nhưng nghĩ đến việc cứu người tôi lao vào cáng người lên bờ. Đến trưa ăn cơm, vừa mệt vừa bị ám ảnh bởi vụ tai nạn nên chẳng nuốt nổi cơm. Đêm, những hình ảnh về vụ tai nạn lại hiện ra chẳng thể chợp mắt” - anh Lăk nhớ lại.
A Lăk vẫn bị ám ảnh bởi hiện trường vụ tai nạn.
Ảnh: ĐỨC NHẬT
Anh Lăk cho biết, sáng 12.7, khi nghe thông tin những nạn nhân bị thương trong vụ việc sức khỏe đã dần ổn định anh và mọi người đều cảm thấy thanh thản hơn.
“Những lúc nguy cấp như vậy chỉ nhanh 1 giây thôi cũng có thể cứu sống được mạng người. Bởi vậy chúng tôi đã cố gắng chạy đua với thời gian để cứu người. Khi nghe những người bị thương sức khỏe đã tạm ổn, chúng tôi thấy vui trong lòng” - anh Lăk nói.
Trong cuộc họp báo ngày 11.7, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cảm ơn các lực lượng đã tham gia cứu nạn, đội ngũ y, bác sĩ, người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực cứu hộ...
Ông Khuất Việt Hùng cũng ghi nhận sự nỗ lực của các ban ngành cùng chính quyền địa phương trong việc khắc phục hậu quả của vụ tai nạn.

Trong số 6 nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn, có 5 hành khách gồm: Hà Đức Dũng (14 tuổi, trú tại Thường Xuân, Thanh Hóa), Lương Thị Niệm (55 tuổi, H.Bá Thước, Thanh Hóa); Hà Thị Uyên (31 tuổi, H.Ea Kar, Đắk Lắk); Hà Thị Huyền Điệp (7 tuổi, Thanh Hóa); Hà Trung Lưu (72 tuổi, trú tại Thanh Hóa). Một phụ xe tử vong là Trần Minh Tú (24 tuổi, TP.Thanh Hóa). 

 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.