Nông dân điêu đứng vì thủy điện chặn dòng: Huyện sẽ hỗ trợ người dân khởi kiện

22/03/2020 06:47 GMT+7

Trong khi các thủy điện đổ lỗi cho nhau, thì hàng trăm héc ta cây trồng của người dân thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn tiếp tục héo rũ chờ nước.

Gần 1 tháng sau khi thủy điện Thượng Kon Tum ngăn dòng tích nước, thì thủy điện Đăk Ne phía hạ du (trên cùng dòng sông Đăk Snghé) cũng xả nước cầm chừng ra môi trường, khiến dòng sông này trơ đáy. Hàng chục hộ dân lâm cảnh điêu đứng vì cây trồng héo rũ, chết dần (Thanh Niên ngày 20.3 đã phản ảnh).

Hơn 108 ha cây trồng héo úa

Ngày 21.3, theo thống kê của UBND xã Tân Lập, hiện trên địa bàn thôn 3 có 108,7 ha cây trồng gồm 92 ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5 ha cây hồ tiêu, 2 ha lúa bị héo úa vì thiếu nước tưới.
Ông Phan Duy Huynh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kon Rẫy, cho biết từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước thì thủy điện Đăk Ne không thực hiện cam kết xả dòng chảy ra môi trường tối thiểu là 1,29 m3/giây. Hệ lụy là sông Đăk Snghé bắt đầu khô cạn, đập thủy lợi Đăk Snghé không có nước về.
Việc thủy điện Đăk Ne xả nước theo lịch mỗi ngày 2 đợt, mỗi đợt chỉ kéo dài 1 tiếng, thì với khoảng thời gian ít ỏi đó, không đủ để bà con bơm tưới cà phê. Hiện tại một số diện tích tiêu và cà phê đã chết.
“UBND H.Kon Rẫy đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về vụ việc. Đồng thời huyện cũng yêu cầu Sở Công thương đề nghị thủy điện Đăk Ne và thủy điện Thượng Kon Tum xả nước cho bà con vùng hạ du đảm bảo sản xuất. Trước mắt huyện đã vận động người dân tiết kiệm nước, ngăn dòng dẫn nước về đập thủy lợi Đăk Snghé để phục vụ tưới tiêu”, ông Huynh nói.
Nông dân điêu đứng vì thủy điện chặn dòng: Huyện sẽ hỗ trợ người dân khởi kiện1

Cây trồng thiếu nước chết khô

Ảnh: Đức Nhật

Thủy điện phải chịu trách nhiệm

Ngày 21.3, trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND H.Kon Rẫy, cho biết ngày 24.3, Sở Công thương tỉnh Kon Tum sẽ làm việc với các nhà máy thủy điện để họp bàn giải pháp tìm nguồn nước.
“Hiện UBND huyện đang tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại của người dân để yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nếu người dân cảm thấy bị thiệt hại nặng thì có quyền khởi kiện thủy điện. UBND huyện sẽ hỗ trợ pháp lý cho người dân”, ông Lương cho hay.
Cũng theo ông Lương, để xác định thủy điện nào gây nên tình trạng thiếu nước này là câu chuyện rất dài. Cần có sự vào cuộc từ các ban ngành chuyên môn phân tích đánh giá, khi đó mới có kết luận do thủy điện nào gây ra.
Theo một cán bộ Sở TN-MT Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum là thủy điện bậc 1 và được quy hoạch trước thủy điện Đăk Ne. Khi có quy hoạch, chủ đầu tư thủy điện này đã có những cảnh báo trước đối với các thủy điện phía dưới. Thủy điện Đăk Ne được quy hoạch sau, nhưng lại xây dựng trước. Trước khi được cấp phép xây dựng, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu thủy điện Đăk Ne có giải trình cụ thể, nếu Thượng Kon Tum xây dựng thì Đăk Ne phải đảm bảo đủ nước vận hành, điều tiết. Thủy điện Đăk Ne đã cam kết những dòng suối nhỏ phía dưới thủy điện Thượng Kon Tum đủ nước để Đăk Ne hoạt động và điều tiết nước cho người dân tưới tiêu, sinh hoạt. Từ đó UBND tỉnh Kon Tum mới đồng ý cho Đăk Ne xây dựng.
“Nếu bây giờ thủy điện Đăk Ne thiếu nước để hoạt động gây ảnh hưởng đến người dân, thì Đăk Ne phải chịu trách nhiệm. Ông đã cam kết đủ nước để vận hành thủy điện, cam kết đáp ứng các yêu cầu về canh tác phía dưới, thì ông phải chịu trách nhiệm”, vị cán bộ này nói và cho biết thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm. Cụ thể, thủy điện Thượng Kon Tum đã chặn dòng ở Kon Tum, nhưng chuyển nước về Quảng Ngãi. Việc chuyển dòng này có những ảnh hưởng, tác động lớn đến thiên nhiên.
“Việc chuyển dòng nước sẽ có những vấn đề lớn. Nhưng vì cấp quốc gia quy hoạch rồi nên phía địa phương cũng gặp khó”, vị này cho biết thêm.
Theo luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư Đắk Lắk), người dân có quyền khởi kiện đòi thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo bộ luật Dân sự. “Về nguyên tắc làm thủy điện thì phải đảm bảo an toàn dưới hạ du và đảm bảo lưu lượng nước phục vụ sản xuất cho bà con. Do đó, người dân có quyền khởi kiện bồi thường thiệt hại do cả 2 thủy điện này gây ra”, luật sư Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.