'Nóng' với thất thoát, lãng phí và tinh giản biên chế

27/10/2018 06:29 GMT+7

Ông Cầu chia sẻ nhưng cũng cho rằng cử tri còn nhiều lo lắng, mà trước hết vấn nạn thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn.

Trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH ngày 26.10, thất thoát vốn đầu tư công, tinh giản biên chế bộ máy... là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ nguyên nhân, đồng thời “truy” trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH đất nước ngày 26.10, thất thoát vốn đầu tư công, tinh giản biên chế bộ máy... là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ nguyên nhân, đồng thời “truy” trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan.
Thất thoát kéo dài, lãng phí nhiều vô kể
Mở đầu bài phát biểu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu kể lại tâm trạng của ông và nhiều người khi bước vào nhiệm kỳ với rất nhiều bừa bộn, khó khăn. “Khi ấy, chúng tôi đã tự hỏi, không biết Chính phủ có nhanh chóng vượt qua được những thách thức đó không? Bây giờ, đứng trên thành công, nhìn lại chúng tôi quả thực khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua”, ông Cầu chia sẻ nhưng cũng cho rằng cử tri còn nhiều lo lắng, mà trước hết vấn nạn thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (ảnh nhỏ ) chỉ ra nhiều lo ngại về các dự án “đội vốn” như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông Ảnh: Gia Hân
“Nếu đầu nhiệm kỳ nhiều ĐB Quốc hội (QH) lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng do Bộ Công thương quản lý thì đến giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ GTVT quản lý”, ông Cầu nói, đồng thời dẫn một loạt ví dụ để minh họa: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỉ đồng vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng; dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769 tỉ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 18.001 tỉ đồng…
Dẫn thống kê Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm 1.222 tỉ đồng và 97,2 triệu USD dẫn đến vấn đề thất thoát lãng phí, ông Cầu nhấn mạnh: “Cử tri đòi hỏi Chính phủ, QH cần xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây nhà nước giao Bộ GTVT quản lý xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc bắc - nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỉ đồng thất thoát rất lớn là điều khó tránh khỏi”.
Phân tích tiếp ý này, dẫn số liệu từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính đã lên tới 56.009 tỉ đồng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) còn đánh giá việc thực hiện các kiến nghị, sai phạm mà kiểm toán đã chỉ ra đáng ngại không kém. Cụ thể, năm 2018 mới thực hiện được 50.000/90.000 tỉ đồng, bằng 55% số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đáng lưu ý, tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tôi đề nghị QH, Chính phủ phải thống nhất quan điểm, các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước kết luận về tài chính thực chất là các hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy phải được khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Sinh nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ và Thủ tướng có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong việc phê duyệt dự án, quản lý dự án đầu tư công, tăng cường cơ chế giám sát.
Còn đâu cho phát triển ?
Cũng tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, nhiều ĐB đặt ra các vấn đề liên quan công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tại nhiều bộ, ngành địa phương.
ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) dẫn chứng sau 3 năm, việc tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối, nhiều tầng lớp chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả...
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng đến nay việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế chưa chú trọng tới cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.
“Tôi đồng ý với nhận định việc tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai và đây là lĩnh vực vừa phức tạp vừa nhạy cảm, song đã đến lúc nhận thức rõ ràng ngân sách hay tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi chi thường xuyên vẫn chiếm 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. Vậy còn đâu để đầu tư cho phát triển?”, ông Hạ băn khoăn.
Đề xuất sáp nhập tỉnh thành để tinh giản biên chế
ĐB Hạ đề nghị Chính phủ xem xét giải pháp điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, TP như một giải pháp hoàn thành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong khu vực, có quốc gia diện tích lớn hơn VN 28 lần, dân số đông hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP và tương đương; có nước thì với gần 7.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. VN khi bước vào thời kỳ đổi mới cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính, tỉnh thành.
“Gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, QH xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, TP”, ông Hạ nói.
ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) kiến nghị, việc tinh giản biên chế cần tập trung giải quyết quyết liệt ở khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, theo ĐB Sáng, không giảm chỉ tiêu biên chế trong lĩnh vực này mà cần quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học hợp lý.
Ý KIẾN
Đẩy mạnh việc kết nối 5 nhà
Tôi đánh giá cao những kết quả về KT-XH năm 2018, 3 năm 2016 - 2018, song thực trạng nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong năm qua, dù có chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường nông sản thiếu ổn định, chưa kết nối hiệu quả từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, nên tình trạng “được mùa mất giá” năm nào cũng xảy ra.
Đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các giải pháp phù hợp mang tính khả thi hơn trong lĩnh vực này. Bổ sung giải pháp đẩy mạnh kết nối 5 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước, ngân hàng.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)
Cần chấm dứt việc phạt để cho tồn tại
Đây là lần thứ 3 tôi muốn nhắc lại trên diễn đàn này và muốn kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là phạt cho tồn tại. Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta. Những vụ việc diễn ra như ở Hải Phòng, cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay “xã hội đen” đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng vệ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mặt nhưng mà có những cái lọt qua tay.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.