Nộp tiền thi hành án vẫn bị chấp hành viên bán nhà

03/08/2019 06:43 GMT+7

Người phải thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt nộp tiền để thi hành án, nhưng hơn 3 tuần sau, chấp hành viên vẫn đấu giá ngôi nhà bị kê biên trước đó.

Ông Nguyễn Sỹ Cần, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết đang lập tổ xác minh nội dung đơn tố cáo của vợ chồng ông Bùi Xuân Bình và Đỗ Thị Vân Hồng (ngụ 21A Nguyễn Trung Trực, P.4, TP.Đà Lạt), tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thiện (chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt) có hành vi sai trái trong việc đấu giá căn nhà 21A Nguyễn Trung Trực (nhà 21A) của vợ chồng bà Hồng.

Đấu giá nhà sau khi người phải Thi hành án đã nộp tiền

Theo đơn tố cáo của vợ chồng bà Hồng, từ năm 2008 - 2009, căn cứ theo 8 quyết định của TAND TP.Đà Lạt và 8 quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt, vợ chồng bà Hồng phải thi hành với số tiền là 318.860.000 đồng. Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, ngày 18.8.2009, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản căn nhà 21A của vợ chồng bà Hồng. Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần vợ chồng bà Hồng muốn bán căn nhà trên để thi hành án. Khi có người mua đều đưa lên Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt trình bày nguyện vọng nhưng ông Thiện luôn nêu ra những khó khăn, vướng mắc khiến những người định mua không dám mua nhà nữa.
Cũng theo đơn, đến ngày 11.5.2018, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt thông báo việc xử lý kê biên căn nhà 21A. Ông Thiện với chức năng chấp hành viên đã thực hiện thủ tục thẩm định tài sản kê biên căn nhà 21A với giá 1.605.000.000 đồng và thực hiện thủ tục đấu giá lần 1 nhưng không có người mua. Sau đó ông Thiện thực hiện giảm giá theo quy định còn lại 1.508.700.000 đồng, đồng thời thông báo đấu giá lần 2 vào ngày 14.6.2019.
Trong các ngày 15, 16, 17.5, được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, vợ chồng bà Hồng liên tục mang số tiền phải thi hành án và cả tiền lãi phát sinh đến Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt để nộp, nhưng ông Thiện không nhận. Sau nhiều lần năn nỉ, ngày 22.5 ông Thiện mới nhận số tiền gốc và án phí là 318.860.000 đồng; còn phần lãi phát sinh ông Thiện từ chối nhận vì… chưa tính toán xong! Bà Hồng xin tạm ứng phần lãi phát sinh cũng bị từ chối nên tự tìm đến các “chủ nợ” để thương lượng và thanh toán tiền lãi phát sinh. Thế nhưng đến ngày 21.6, vợ chồng bà Hồng ngỡ ngàng khi được ông Thiện thông báo đã đấu giá thành công căn nhà 21A với giá 1.540.000.000 đồng!
Trong đơn vợ chồng bà Hồng còn nêu, trong thời gian căn nhà bị kê biên, ông Thiện hai lần tới nhà đề nghị bà Hồng bán căn nhà với giá thương lượng là 1,1 tỉ đồng, sau đó nâng lên 1,6 tỉ đồng, nhưng vợ chồng bà Hồng từ chối vì giá trị của ngôi nhà thời điểm đó khoảng 3,5 tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng vào cuộc

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Sỹ Cần cho biết nội dung vợ chồng bà Hồng tố cáo ông Thiện đang được Phòng Công tác phòng chống tham nhũng thuộc Ban Nội chính cùng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng làm rõ. Ông Cần đang lập tổ xác minh làm rõ nội dung đơn tố cáo của vợ chồng bà Hồng, đồng thời rà soát lại quy trình việc ông Thiện thực hiện đấu giá căn nhà 21A.
Bước đầu, theo giải trình của ông Thiện, ngày 15.5.2019, vợ chồng bà Hồng tổ chức thỏa thuận phần lãi phát sinh. Tại Thông báo số 377/TB-CCTHADS ngày 21.5 đã thông báo cho các bên về kết quả tính lãi phát sinh cho đến ngày 20.5.2019 là hơn 232 triệu đồng cùng các khoản chi phí phát sinh là hơn 46 triệu đồng. Nhưng ngày 22.5 vợ chồng bà Hồng đến Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt đóng tiền gốc nhưng không đóng tiền lãi phát sinh. Do đó ngày 14.6, ông Thiện vẫn tiếp tục đấu giá căn nhà 21A.
Ông Nguyễn Sỹ Cần cho biết thêm, về việc ông Thiện bị phản ánh đã đến nhà bà Hồng thương lượng mua căn nhà 21A, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt đang thu thập chứng cứ, nếu đúng sẽ có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, bà Hồng có chứng cứ (băng ghi âm) ngày 20.5, bà và người nhà năn nỉ được đóng luôn tiền lãi phát sinh nhưng ông Thiện từ chối nhận (băng ghi âm này đã được bà Hồng gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng).
Ông Cần trích dẫn khoản 5, điều 101 luật Thi hành án dân sự: “Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá”.
Theo ông Cần, xét về lý, nếu vợ chồng bà Hồng chỉ đóng tiền gốc và án phí, nhưng chưa đóng lãi phát sinh và các khoản chi phí tổ chức đấu giá… thì chấp hành viên vẫn có quyền tổ chức đấu giá tài sản.
“Đúng ra ông Thiện nên chờ bà Hồng nộp thêm phần lãi phát sinh và các khoản chi phí để khỏi đấu giá nhà. Việc đấu giá căn nhà 21A, ông Thiện tự gây rắc rối cho mình”, ông Cần nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.