Ồ ạt học lấy bằng lái ô tô: Coi chừng sập bẫy, bị lừa!

06/03/2020 10:45 GMT+7

Trước tình trạng người dân ở một số tỉnh ồ ạt nộp hồ sơ đến các trung tâm đào tạo học lấy bằng lái ô tô để 'né' Thông tư 38, nhiều chuyên gia cảnh báo 'coi chừng sập bẫy, bị lừa'.

Tại Bình Định, từ cuối năm 2019 đã có tin đồn về việc tăng học phí học bằng lái ô tô từ tháng 5.2020 khiến nhiều người ồ ạt học lấy bằng lái ô tô. Tuy nhiên, nhiều người phải thất vọng vì không thể đăng ký vào các khóa khai giảng trước tháng 5. Những người đi mua hồ sơ học lái ô tô cho rằng khi Thông tư 38 của Bộ GTVT về “sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15.4.2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”, có hiệu lực thì chương trình học lý thuyết và thực hành lái ô tô tăng độ khó nên thời gian học bằng B2 phải mất 6 tháng, học phí tăng 20-30 triệu đồng…

Chưa có cơ sở tăng học phí

Ông Chung Thành Ngà, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định, xác nhận khi áp dụng Thông tư 38, nội dung chương trình đào tạo lái ô tô có nhiều thay đổi nhưng thông tin tăng học phí đào tạo lên 20-30 triệu đồng hoàn toàn không chính xác. “Chúng tôi cũng có dự kiến tăng học phí trong thời gian sắp đến nhưng là tăng theo mức quy định của UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt từ đầu năm 2019 chứ đâu phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng. Các trung tâm đào tạo lái xe cũng không thể vì nhu cầu học tăng cao mà tự tăng học phí được, có cơ quan quản lý nhà nước về giá kiểm tra, kiểm soát hết”, ông Ngà nói.
Cũng theo ông Ngà, hiện số lượng người đến trung tâm này đăng ký học lái ô tô tăng cao, trong đó nhiều người đặt nhu cầu sẽ học trong các tháng 3, tháng 4, tháng 5 đều bị từ chối nhận hồ sơ. Hiện các khóa đào tạo lái xe trong thời gian này đã đủ người số lượng người học. Trung tâm chỉ nhận hồ sơ khóa học khai giảng từ tháng 7 trở về sau, còn các học viên đã nhận hồ sơ từ trước vẫn được đào tạo theo đúng hợp đồng.
“Các cơ sở đào tạo lái xe không thể nhận người vào học ồ ạt theo nhu cầu của xã hội được, phải theo trình tự một khóa bao nhiêu người, căn cứ theo số lượng xe của cơ sở để nhận người học. Chúng tôi không dám nhận hơn vì hiện đã quản lý dữ liệu trên mạng, nhập danh sách học viên vào thì trên mạng thể hiện nhận người học vào ngày giờ nào, nếu vượt lưu lượng cho phép thì bị trả về ngay”, ông Ngà cho biết.
Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định (trực thuộc Trường CĐ nghề số 5, Quân khu 5) cũng có rất nhiều người đến hỏi mua hồ sơ học lái ô tô nhưng trung tâm này chỉ nhận hồ sơ học lái ô tô đối với các khóa khai giảng từ tháng 8 năm nay trở về sau, các khóa khai giảng trước tháng 7 đã đủ học viên.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định, cho biết mức học phí đào tạo lái ô tô trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tăng từ tháng 6.2018, hiện chưa có cơ sở nào để tăng thêm. Theo Thông tư 38, trung tâm sát hạch lái xe lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT từ ngày 1.1.2020. Tuy nhiên, chi phí cho việc lắp đặt camera giám sát không lớn nên không thể lấy lý do này để tăng học phí.
Thông tư này cũng quy định trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1.1.2021. Theo thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, loại thiết bị này hiện đang bán trên thị trường có giá 400-600 triệu đồng. Nếu đầu tư thì chi phí cho đào tạo lái xe sẽ tăng lên nên có khả năng các trung tâm sát hạch lái xe sẽ tăng học phí đào tạo. Tuy nhiên, mức tăng học phí không thể lên đến 30 triệu đồng như tin đồn hiện nay.
Tại Quảng Ngãi, hầu như ngày nào việc dạy và học lái xe cũng diễn ra sôi động ở các trung tâm đào tạo lái xe. Không chỉ thanh niên nam nữ học nghề lái xe để hành nghề mưu sinh, mà cả cán bộ, công chức cũng đăng ký học ngoài giờ hành chính, ngày cuối tuần và ban đêm. Trung tâm Đào tạo lái xe Dung Quất (Trường Kỹ nghệ Dung Quất, Quảng Ngãi) đến nay mới chuẩn bị thi sát hạch khóa 103 nhưng học viên đã đăng ký đến khóa 106 và sau nữa. Theo các giáo viên dạy lái ở đây, các học viên đăng ký các khóa này đã ghi danh vào cuối năm 2019 mới được học. Còn thời điểm hiện nay đăng ký, nhanh nhất là đến tháng 9, chậm thì cuối năm 2020 mới được học lái xe.
Ông Võ Phiến, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, đến ngày 1.5.2020, việc dạy và học lái ô tô các hạng có tăng lên về chương trình cả lý thuyết, thực hành và sát hạch cấp bằng, nên thời gian học kéo dài hơn, khó hơn cho người học. Tuy nhiên, hiện tượng rủ nhau học lái xe ồ ạt do học phí tăng lên hơn gấp đôi so với hiện nay chỉ là tin đồn.
Tỉnh Quảng Ngãi có 4 trung tâm dạy lái ô tô. Mỗi đợt trung tâm đào tạo nhiều nhất là 600 người. Từ đầu năm 2020 đến nay, tuần nào Trung tâm sát hạch lái xe tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức sát hạch lái xe, trung bình khoảng 300 trường hợp/đợt, nhiều gấp nhiều lần so với trước đây. “Đây là học theo phong trào. Vì so với các tỉnh lân cận, lưu lượng xe đăng ký trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thấp hơn nhiều so với các địa phương khác”, ông Phiến nhận định.
Tại Phú Yên, khi có thông tin học phí thi giấy phép lái xe sẽ tăng cũng khiến nhiều người đổ xô đi học. Theo ông Phan Phú Bình, giáo viên phụ trách đào tạo của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp (Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên), đơn vị được Sở GTVT cấp phép đào tạo học viên thi giấy phép lái xe, thì lượng người nộp hồ sơ vào trung tâm này tăng đột biến từ ngày 15.2. “Có ngày, trung tâm tiếp nhận hơn 50 hồ sơ nộp đăng ký học lái xe. Việc đăng ký tăng đột biến này là do tâm lý lo sẽ tăng học phí học lái xe nên cả nhà đăng ký, mặc dù chưa có nhu cầu thực sự”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, từ ngày 15.2 đến nay, Trung tâm Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận hơn 170 hồ sơ đăng ký học lái xe thi giấy phép lái xe hạng B2, trong khi mỗi tháng trung tâm chỉ đạo tạo 90 học viên. Ông Bình cho biết: “Có người đến hỏi mua cả chục hồ sơ. Vì thấy họ lo lắng chuyện học phí tăng nên cán bộ nhận hồ sơ cũng đã giải thích. Hiện số lượng người nộp hồ sơ học lái đã giảm so với lúc đầu khi có thông tin tăng học phí học thi giấy phép lái xe”.

Tránh bị lừa khi nộp hồ sơ học lái

Nhiều người có nhu cầu học lái xe ở Bình Định lo ngại tình trạng chi phí học lái bằng B2 tăng cao trong thời gian đến là chiêu lừa đảo của các trung tâm đào tạo để thu hút học viên. Ông Chung Thành Ngà và thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng cũng cho rằng hiện đang có tình trạng một số giáo viên dạy lái ô tô, nhất là các giáo viên trường tư nhận hồ sơ, nhận tiền của người học rồi cho xe ra tập lái nhưng không có hợp đồng đào tạo, không có cam kết về thời gian thi sát hạch để lấy bằng…
Ông Chung Thành Ngà khuyến cáo người có nhu cầu học lái ô tô đừng vội nghe những thông tin trên mạng rồi nộp tiền, hồ sơ cho người hứa hẹn mà không có hợp đồng đào tạo thì rất dễ bị lừa. Trong trường hợp người hứa hẹn có hợp đồng đào tạo, có tư cách pháp nhân đào tạo thì mới nộp tiền để có ràng buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ đối với người học.

Học viên đến đăng ký học lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Nộp tiền rồi coi như đã học, nếu anh bỏ giữa chừng thì anh mất tiền, còn không thì phải chờ mấy tháng sau mới thi vì họ đâu có hợp đồng đào tạo nghề để ràng buộc trách nhiệm. Chúng tôi nhận hồ sơ, nhận tiền của học viên là phải có hợp đồng đào tạo, không có hợp đồng đào tạo là không được. Căn cứ vào hợp đồng đào tạo, người học biết mình học khóa nào, thời gian nào khai giảng, ngày nào sát hạch, ngày nào tốt nghiệp… “, ông Ngà khẳng định.

Niêm yết học phí và lệ phí đào tạo lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, thông tin tăng học phí học bằng lái ô tô hiện nay chỉ là chiêu trò để thu hút học viên của một số cá nhân hoặc trung tâm làm ăn không đường hoàng. Tại Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định, khi học viên nộp hồ sơ, học phí thì 2 bên phải thống nhất được nội dung chương trình đào tạo, thời gian học, thời gian sát hạch, có hợp đồng đào tạo… để ràng buộc về trách nhiệm dân sự với người học và đảm bảo thủ tục để báo cáo với Sở GTVT Bình Định.

Xe sát hạch tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Người học không nên tin những lời hứa hẹn không có căn cứ pháp lý, hứa hẹn có xe đến tận nhà đưa đón khi đi học lái ô tô… mà nên đến trực tiếp các cơ sở đào tạo có địa chỉ rõ ràng, khi nộp tiền phải có hợp đồng, có thời gian đào tạo, thi sát hạch… cụ thể. Người học cũng cần lưu ý là học phí và lệ phí đào tạo lái xe là 2 khoản tiền khác nhau. Các cơ sở đào tạo lái xe cũng cần niêm yết học phí và lệ phí đào tạo để học viên biết rõ trước khi nộp hồ sơ”, thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng khuyến cáo trước tình trạng ồ ạt học lấy bằng lái ô tô hiện nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.