[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao
|
Tối 25.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết việc thay đổi thiết kế tường vây tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (đoạn gói thầu 1a) đã giúp cho chủ đầu tư tiết kiệm 4 triệu USD (tương đương 93 tỉ đồng) và tiết kiệm thời gian thi công 5 tháng so với phương án ban đầu.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang cho hay chiều dày tối đa của tường vây của toàn tuyến metro là 1,5 m, kể cả những khu vực đông dân cư, có nhiều công trình quan trọng, nhưng qua bên gói thầu 1a này thì tường vây lại lên tới 2 m (theo thiết kế ban đầu được duyệt).
Cho nên khi được giao nhiệm vụ Trưởng ban MAUR, toàn quyền phụ trách dự án, ông cùng công sự cho rằng độ dày tường vây 2 m không phù hợp và đề nghị tư vấn sửa lại. Việc sửa lại thiết kế tường vây phải qua sự thẩm tra của các đơn vị tư vấn độc lập là Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Sao Việt và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải Tedi thuộc Bộ GTVT.
Sau khi đơn vị này thẩm tra, MAUR mời một nhóm chuyên gia, nhà khoa học ở Đại học Xây dựng, UBND TP giao Sở GTVT mời Công ty tư vấn giao thông Tedi thẩm tra, sau đó mới cho phép thay đổi thiết kế, thi công. Hiện tại khu vực đất làm tường vây này bắt đầu được đào xuống.
|
“Ngày xưa tôi làm nhà thầu tính toán việc thay đổi thiết kế tường vây gói thầu này chỉ tiết kiệm 1 triệu USD thôi, nhưng khi sau này kết quả thực tế tiết kiệm hơn 4 triệu USD cùng với rút ngắn 5 tháng thi công so với trước. Điều này cũng được Kiểm toán Nhà nước công nhận trong báo cáo kiểm tra”, ông Quang nói.
|
Ông Quang cũng cho biết kết quả tính toán lại của tư vấn thì độ dày của đoạn tường vây trên giảm còn 1,5 m, số lượng thanh thép chống đỡ tường vây cũng giảm đi, nhưng chiều cao của các thanh thép cũng như mác thép cũng được tăng lên nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ tường vây.
Liên quan việc dư luận băn khoăn việc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam do ông Quang trước đó làm tổng giám đốc được giao thực hiện thi công phần tường vây, ông Quang cho hay “đây là một câu chuyện dài” và 2 sự việc này không liên quan đến nhau.
Một kỹ sư (đề nghị giấu tên) đang tham gia thi công tuyến metro số 1, cho hay tường vây thuộc gói thầu 1a của tuyến metro số 1 được hiểu vừa là bức tường bao quanh và cũng là chân nhà ga.
“Do kết cấu quan trọng như vậy nên xét về mặt kỹ thuật hay định tính nếu bức tường vây càng mỏng sẽ tạo ra biến dạng càng lớn, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh nhà ga”, vị kỹ sư này nói.
|
Vị kỹ sư này cho biết kết cấu tường vây dày hay mỏng phụ thuộc vào một số yếu tố, nhưng quan trọng nhất là vào tiêu chí đầu vào ban đầu.
Theo vị kỹ sư này, tường vây 1,5 m có độ cứng chịu lực giảm khoảng một nửa so với tường vây dày 2 m.
Tuy vậy, vị kỹ sư còn cho biết không phải sự thay đổi độ dày tường vây lúc nào cũng làm giảm sự an toàn của hầm metro. Nếu thay đổi này để tối ưu hóa so với thiết kế ban đầu hoặc để giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm an toàn kỹ thuật thì nên tiến hành.
|
TS Phạm Văn Long, Phó chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình VN, cho hay tường vây có vai trò giữ, chống và bảo vệ đối với những công trình phải đào sâu dưới lòng đất, nhất là công trình nằm ở trung tâm thành phố “đất chật người đông” buộc phải đào sâu xuống đất theo chiều thẳng đứng.
Kết cấu tường vây có bằng thép cường lực hoặc bê tông cốt thép… Độ dày hay mỏng của tường vây phụ thuộc kết cấu đất sau lưng tường, mực nước ngầm, hệ thống văng chống bên trong…
TS Long cho hay ở những giai đoạn trước khi thiết kế tường vây dành cho công trình hay metro thì chủ đầu tư lẫn nhà thầu chưa có số liệu đầy đủ, khảo sát địa chất, thí nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu… Do đó về nguyên tắc trong quá trình thi công, chủ đầu tư có thể tăng hoặc giảm độ dày của tường vây.
Ngoài ra việc thiết kế một công trình trải qua nhiều giai đoạn như thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công…, từ đó sẽ đưa ra đầy đủ về số liệu liên quan đến công trình hơn. Chủ đầu tư, thiết kế và tổng thầu sẽ dựa vào những số liệu này để tính toán tối ưu nhất cho công trình.
“Tuy vậy một điều tiên quyết là khi thay đổi thiết kế theo hướng giảm bề dày tường vây thì đơn giá chi phí thi công tường vây phải giảm theo”, TS Long nhấn mạnh.
"Chỉ chưa phù hợp về mặt thủ tục" Liên quan Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2 m xuống 1,5 m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục, ông Quang cho biết theo nguyên tắc, tất cả thẩm định thay đổi thiết kế của dự án tuyến metro số 1 phải trình cho Sở GTVT phê duyệt. Tuy nhiên năm 2015, kể từ trước khi ông Quang về làm Trưởng ban MAUR, UBND TP.HCM có ủy quyền cho MAUR tổ chức thẩm định này. Vì vậy, kể từ giai đoạn trên MAUR hiểu được quyền thẩm định các thay đổi thiết kế kỹ thuật như trên. Cái này chỉ chưa phù hợp về mặt thủ tục. UBND TP.HCM cũng có chỉ đạo đối với những hồ sơ, hạng mục nào đã được MAUR thẩm định, điều chỉnh phải chuyển lại cho Sở GTVT rà soát, tổng hợp một lần để báo cáo lại cho UBND TP. Hiện MAUR tổng hợp hết các hạng mục dự án đã thẩm định, điều chỉnh, kể cả thay đổi thiết kế tường vây để trình lại cho Sở GTVT. |
Bình luận (0)