Sáng 11.5, Tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 7 gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM tiếp xúc cử quận 2 trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Liên quan đến dự thảo luật Cư trú, cử tri Giang Văn Luận, P.Bình An (Q.2) cho biết từ năm 2006 Quốc hội thông qua luật Cư trú, sau đó là sửa đổi nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập buộc phải thay đổi. Trong đó, cử tri này cho rằng cần bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu như hiện nay mà chuyển sang quản lý bằng mã số định danh qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhiều cử tri khác bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường, bậc thang giá điện, đề xuất bật đèn xe ban ngày cũng như kiến nghị cần sớm giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng đến tay người thụ hưởng.
|
Trao đổi với cử tri, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, cho biết luật Bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống nhưng vẫn còn chồng chéo. Thực tế có những đơn vị nhiều lần vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, không khí đều vượt ngưỡng chỉ số an toàn, nhưng biện pháp chế tài chưa đủ sức.
Hiện nay, ngành điện lực không thể cắt điện của doanh nghiệp để xử lý vi phạm về môi trường. “Điều này dẫn đến doanh nghiệp coi thường biện pháp chế tài, kéo dài thời gian thực hiện quyết định xử phạt, tiếp tục sản xuất mà không đáp ứng được quy định”, ông Khuê nhìn nhận.
Bó tay trước ô nhiễm tiếng ồn?
Về ô nhiễm tiếng ồn, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ TP.HCM có độ ồn vượt mức chỉ số, tiếng còi xe liên tục dù bất kể là qua giao lộ hay bệnh viện, trường học. Chưa kể, ở nhiều khu dân cư, tiếng ồn của âm thanh khuếch đại cũng là vấn đề nhức nhối.
“Chúng ta có bó tay, có chịu thua trước âm thanh khuếch đại vượt mức gây khó khăn cho cuộc sống khu dân cư hay không?”, ông Khuê đặt vấn đề.
|
Do vậy, ông Khuê cho rằng luật Bảo vệ môi trường cần phải xem xét, đối chiếu với các luật liên quan để bảo đảm các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, nếu không có chế tài đúng mức thì hậu quả sẽ rất nặng.
Liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Cư trú, ông Khuê cho biết trong quá trình xử phạt hành chính, có những trường hợp không có một tờ giấy nào để chứng minh người đó là công dân Việt Nam, cơ quan chức năng không truy xuất được địa chỉ thường trú, tạm trú. Về thực tiễn xã hội, những trường hợp này không nhiều nhưng cũng cần phải quản lý về nơi cư trú của công dân.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đồng tình với ý kiến của cử tri rằng muốn đi vào một đề án hay đô thị thông minh thì điều tiên quyết phải là cơ sở dữ liệu, nếu không có thì sẽ thất bại trong đề án. Năm 2019, cả nước đã mở cuộc điều tra về dân cư và nhà ở, đây là cơ sở để lập cơ sở dữ liệu dân cư.
Bình luận (0)