Ông Phan Nguyễn Như Khuê: ‘Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt quá nhiều’

Trung Hiếu
Trung Hiếu
05/12/2018 11:39 GMT+7

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị Bộ Tài chính cần tính toán, làm rõ tỉ lệ phân bố ngân sách của TP.HCM về Trung ương để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển, chăm lo cho an sinh xã hội.

Sáng 5.12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho hay theo tỉ lệ phân bổ ngân sách Trung ương quy định thì TP.HCM làm ra 100 đồng thì chỉ được chi 18 đồng, phần còn lại 82 đồng phải nộp về Trung ương. Trong khi đó TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 54, đặt ra vai trò làm sao TP phải thực hiện tốt nhiều vấn đề dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ.
Sau khi nêu một số khó khăn trong thu chi năm tới, ông Khuê cho hay Chính phủ đồng ý cho phép TP.HCM sử dụng 2.200 tỉ đồng chi trả cho thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức và an sinh của TP.
Qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Khuê cho rằng năm 2019 TP.HCM không thể lạc quan tếu được dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực của Thường trực UBND TP.HCM và nỗ lực của người dân TP.HCM. Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt khoảng 8,3% là một thành tích kỳ diệu.
“Khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi nói Bộ Tài chính cần đánh giá rõ trong bối cảnh Nghị quyết 54. Việc phân bổ ngân sách trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cần làm rõ định mức tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại chứ không thể làm theo cảm tính. Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt sữa quá nhiều”, ông Khuê nói và cho biết thêm TP.HCM cần được “bồi dưỡng” tạo điều kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân TP.HCM.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại kỳ họp Ảnh: Ngọc Dương

Thất thu phí đỗ ô tô tự động 

Ngoài vấn đề trên, ông Khuê còn tỏ ra lo lắng về tình trạng thất thu phí tự động xe hơi ở vỉa hè rất lớn mà báo chí từng nêu. Từ đó ông đặt vấn đề dù nghị quyết về vấn đề này đã ban hành nhưng TP.HCM chưa lường trước những khó khăn.

“Con số thất thoát này tôi đề nghị ngành giao thông vận tải thông tin rõ cho đại biểu được rõ. Con số thất thu 1 tỉ đồng không phải là nhỏ và không thể để kéo dài”, ông Khuê nói.

Được yêu cầu trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, cho hay đây là lần đầu tiên áp dụng việc thu phí ô tô tự động, giúp hạn chế lượng ô tô lưu hành vào khu trung tâm.

Ông Bùi Xuân Cường giải đáp vấn đề mà đại biểu nêu Ảnh: Ngọc Dương

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận mục đích thu phí lại chưa đạt yêu cầu. Khó khăn ở đây là dù Sở GTVT triển khai lắp 261 camera ở trên các tuyến đường nhưng nếu không có nguòi giám sát ở thực tế vẫn có trường hợp người dân tự thanh toán cho đối tượng khác chứ không thanh toán tự động.

“Theo thống kế hiện chỉ thu phí được 16%. Vừa qua Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ cho các quận huyện trong việc chịu trách nhiệm điều hành việc thu phí”, ông Cường cho biết và đồng thời cũng theo ông Cường, thời gian đầu thu phí tăng nhưng càng về sau việc thu phí càng giảm.

Liên quan đến trợ giá xe buýt, ông Cường cho hay năm 2017, TP.HCM chi 957 tỉ đồng. Hiện nay chi phí trợ giá xe buýt ở TP.HCM từ tỉ lệ 70% xuống còn 40% trong thời gian gần đây. Đây là tỉ lệ trợ giá thấp so với trợ giá xe buýt của các tỉnh miền Nam.

Trong năm 2019, Sở GTVT sẽ có nhiều thay đổi, đưa ra nhiều giải pháp, sắp xếp lại các tuyến xe để điều hành việc trợ giá xe buýt ngày càng hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.