Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 chiều nay, 1.10, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch quốc gia (Trung tâm) - đơn vị phát triển ứng dụng PC-COVID cho biết, ứng dụng đã được đưa lên các kho của Google và Apple.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên vì sao nhiều người dân cài đặt khó khăn hoặc sự cố lỗi khi cập nhật, đồng bộ hoá dữ liệu (người tiêm 2 mũi chỉ hiện 1 mũi hoặc không), đại diện trung tâm này cho biết, khi đưa ứng dụng lên kho của Google và Apple có gặp vấn đề gián đoạn dịch vụ.
“Khi chuyển đổi một tập tin ước tính có 45 triệu lượt tải và 20 triệu người dùng thường xuyên hàng tuần, về mặt kỹ thuật sẽ có hiện tượng rung lắc, đây là điều đã được ước tính. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”, đại diện Trung tâm nói.
Theo kế hoạch cần 5 - 7 ngày khi đưa lên 2 store ứng dụng để chuyển đổi một cách từ từ, nhưng ngay từ hôm qua, 30.9, lượng tải đã rất nhiều (1,7 triệu lượt), trong khi các hệ thống đang trong quá trình chuyển đổi nên bị treo.
Về việc dữ liệu tiêm chủng hiển thị không chính xác, theo đại diện Trung tâm, đây là vấn đề trong quá trình chuyển đổi hệ thống, cũng như “quá trình tiếp dầu máy bay trên không” nên dữ liệu sẽ có sự thiếu đồng bộ.
Đơn vị phát triển ứng dụng cũng cho biết, dự kiến giai đoạn chuyển đổi các hệ thống trong khoảng 1 tuần, trong thời gian này, các kỹ sư sẽ ghi nhận các lỗi và khắc phục.
PC-COVID có phải chỉ là "Bluezone thay áo"?
Nhiều người khi cài đặt PC-COVID ngạc nhiên khi ứng dụng này hiển thị và nâng cấp lên từ Bluezone, thay vì một ứng dụng hoàn toàn mới. Nói về việc này, theo đại diện Trung tâm, “nếu làm một ứng dụng mới dễ hơn rất nhiều. Nhưng nhiều địa phương hiện đã sử dụng Bluezone hiệu quả như Quảng Ninh, Vũng Tàu..., nếu bắt gỡ đi để cài một ứng dụng mới thì không thoả đáng”.
Theo đó, có 2 lý do lựa chọn Bluezone để nâng cấp lên PC-COVID. Một là hiện Bluezone đã có lượt tải rất lớn (45 triệu lượt tải về, hàng tuần có 20 triệu user hoạt động). Hai là không chỉ Bluezone mà NCOVI và các ứng dụng khác cũng sẽ tự động nâng cấp lên PC-COVID, nên PC-COVID không phải chỉ là bản Bluezone “thay áo”.
Trước đó, khi đơn vị phát triển ứng dụng làm việc với Google để đưa ứng dụng lên kho thì rất nhanh, nhưng với Apple mất 8 ngày để thuyết phục vì sao đưa ra app mới nhưng lại update trên app cũ.
Về việc liên thông dữ liệu, PC-COVID dựa trên 4 dữ liệu quan trọng nhất là tiêm chủng, xét nghiệm, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời điểm này, các dữ liệu đã kết nối, liên thông đảm bảo về mặt kỹ thuật.
Một câu hỏi khác là vì sao đã kết nối liên thông mà dữ liệu vẫn không chuẩn? Theo đại diện Trung tâm, lý do có những cơ sở không dùng công nghệ mà chỉ dùng bản giấy, dữ liệu nhập liệu lên sau đó trong tình trạng “xôi đỗ” có thể không chuẩn.
Trong 63 tỉnh, thành vẫn có những địa phương đang nhập đuổi dữ liệu tiêm vắc xin. Dữ liệu xét nghiệm còn 50 địa phương chưa sử dụng và đang dùng dữ liệu giấy. Hoặc có người đi tiêm ghi vắc xin mũi 1 và mũi 2 khai lệch thông tin và không cung cấp căn cước công dân, dẫn tới khi update lên bị sai.
“Phục vụ 1 tệp tin 20 triệu người mà 10% là 2 triệu người sai sót, 1% sai sót là 200.000 người thì vẫn chấp nhận được. Chúng tôi đã xây dựng kênh phản ánh dữ liệu tiêm và PC-COVID, như trong TP.HCM huy động 200 người để xử lý các dữ liệu tiêm sai sót”, đại diện Trung tâm cho biết.
|
Theo ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, PC-COVID là điểm hội tụ các nền tảng cho người dùng sử dụng, đây chỉ là phần nổi còn phần chìm bên dưới rất lớn.
Để PC-COVID “chạy mượt” thì các nền tảng bên dưới cũng phải vận hành ổn định. Trung tâm cũng sẽ thiết lập hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân về PC-COVID trong thời gian sắp tới.
Có bị lộ lọt thông tin cá nhân?
Nhiều người dùng hệ điều hành Android tỏ ra lo ngại khi cài đặt PC-COVID thì được thông báo “Theo chính sách của Google, khi cấp quyền này thiết bị sẽ tự động đề nghị “PC-COVID có thể đọc tất cả thông báo, bao gồm cả thông tin cá nhân như liên hệ và nội dung thông báo mà bạn nhận được”.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, tất cả các quyền được cấp của PC-COVID chỉ phục vụ đúng nhu cầu phòng chống dịch. Cụ thể, cả Apple và Google đều đòi hỏi cấp quyền rất chặt chẽ. Trong đó, PC-COVID sử dụng một số quyền nhưng các nền tảng yêu cầu cấp theo một chùm quyền.
Cụ thể, 5 quyền cơ bản sử dụng là khai thác tín hiệu Bluetooth, gắn liền với GPS (truy cập vị trí) dù ứng dụng không dùng; quyền truy cập thông báo ở nền tảng Android để tối ưu hoá; quyền truy cập camera để app quét được mã QR; quyền truy cập một chùm cả ảnh, video (với nền tảng Xiaomi có truy cập cả tín nhắn) do muốn lưu mã QR về điện thoại. Cá biệt có một số nền tảng đòi hỏi quyền truy cập nền tảng SMS.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã giao Cục An toàn thông tin có đánh giá độc lập, quyền nào có thể thu hẹp sử dụng và tối ưu hoá sẽ tiếp thu để chỉnh sửa trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Bộ TT-TT sẽ ra mắt nền tảng tiếp nhận phản ánh người dân, đo mức độ hài lòng khi sử dụng PC-COVID.
Bình luận (0)