Ứng dụng PC-COVID: Nhiều người có thẻ xanh; đã đồng bộ nhưng thiếu dữ liệu vắc xin

Ngọc Lê
Ngọc Lê
30/09/2021 14:32 GMT+7

Trưa 30.9, nhiều người ở TP.HCM phấn khởi vì dữ liệu đã được đồng bộ hóa, tạo được mã QR, có chứng nhận thẻ Covid-19 trên ứng dụng PC-COVID.

PC-COVID là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 quốc gia ra đời nhằm thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng chống Covid-19 hiện nay. 

Bản tin Covid-19 ngày 30.9: Công bố 11.357 ca nhiễm mới | TP.HCM chính thức "mở quyền" cho người đã tiêm vắc xin

Sáng 30.9, nhiều người tải ứng dụng PC-COVID không thể đồng bộ hóa dữ liệu và đăng ký số điện thoại để tạo mã QR. Đến trưa cùng ngày, nhiều người dân đã có thể cài đặt thành công, có chứng nhận thẻ xanh Covid-19 trên ứng dụng PC-COVID.
Một số người phấn khởi vì ứng dụng PC-COVID lấy dữ liệu rất nhanh từ ứng dụng Bluezone mà họ đã cài đặt trước đó.
Chị Thái Thị Hường (56 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết: "Trước đó điện thoại tôi có sẵn ứng dụng Bluezone, đến sáng nay tự đồng bộ sang PC-COVID. Tất cả thông tin như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, từng khai báo y tế mấy lần... đều có trên ứng dụng. Như vậy giúp tôi không phải tải ứng dụng khác hay khai báo gì để có thẻ xanh Covid như tôi lo lắng trước đó".
Theo chị Hường, chị rất phấn khởi vì đã có mã QR, có chứng nhận thẻ xanh Covid, việc ra đường từ 1.10 dễ dàng hơn.
Chị Ngô Huỳnh Phương Thảo (ngụ TP.HCM) cũng cho biết rất vui mừng khi đã đồng bộ được các thông tin trên ứng dụng PC-COVID mà không phải khai báo gì. 
"Tôi thấy tiện lợi, nhanh, có thẻ xanh Covid này xem như thẻ thông hành đi lại trong điều kiện bình thường mới", chị Thảo chia sẻ.

Áp dụng 'thẻ xanh Covid-19' với người lao động đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19

Đã đồng bộ nhưng chưa đủ dữ liệu tiêm vắc xin

Một số người cũng đồng bộ được dữ liệu vào trưa 30.9 nhưng dữ liệu tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa có, hoặc có mà chưa đủ.
Anh Phan Văn Sơn (30 tuổi, ngụ Q.5) cho biết đã đồng bộ được dữ liệu trên PC-COVID, đã có mã QR. Tuy nhiên, anh đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng trên hệ thống mới chỉ hiển thị 1 mũi vắc xin. 
Anh Sơn nhấn mạnh: "Công việc của tôi đi lại nhiều nên rất cần mã QR để đi qua các chốt kiểm soát. Kể cả ứng dụng VNEID cũng chưa hiển thị đầy đủ 2 mũi vắc xin của tôi. Giờ tôi chưa biết phải làm sao".
Bên cạnh đó, một số người dân phản ánh "đau đầu" chưa thể đồng bộ hóa dữ liệu hay đăng ký số điện thoại để tạo mã QR như Thanh Niên đã phản ánh sáng 30.9. Nhiều người dân cho biết sau khi đăng ký số điện thoại để nhận mã OTP, đến 5 - 6 phút sau mới nhận được mã. Khi nhận được mã OTP, nhập vào thì ứng dụng báo mã OTP hết thời gian.
Anh Phạm Hà Ngọc Mẫn (39 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) cho biết, cả buổi sáng chưa thể đồng bộ hóa thông tin trên ứng dụng PC-COVID. "Tôi đã mất 3 tiếng ngồi chờ để nhập thông tin, chờ mã OTP nhưng đến khi mã về điện thoại thì hết hạn, nên không tiếp tục thực hiện thao tác trên ứng dụng được".
Ngoài ra, nhiều người khi tải ứng dụng PC-COVID đến khâu hiển thị thì ứng dụng vẫn quay vòng vòng trong trạng thái chờ. Nhiều người lo ngại vì chưa sử dụng được ứng dụng này sẽ khiến việc đi lại của họ gặp khó khăn.

Tiệm tóc Sài Gòn rục rịch mở cửa, chưa đến ngày khách đã vào hỏi cắt

Ứng dụng có tên hiển thị là PC-COVID quốc gia, người dân có thể tải về trên 2 hệ điều hành Android và iOS. Khi tải PC-COVID về điện thoại, người dân có thể thấy ứng dụng này được đồng bộ hóa với ứng dụng Bluezone (với những người đã cài Bluezone). Người dùng không phải nhập lại thông tin cá nhân.
Ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính, gồm: thẻ Covid-19; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vắc xin, xét nghiệm; cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; truy vết tiếp xúc gần, bản đồ nguy cơ, và phản ánh.
Tính năng quan trọng của ứng dụng chống dịch duy nhất là thẻ Covid-19 (thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ). Thông tin và màu thẻ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.