Phá án trên mạng: Lật tẩy gian hàng ảo của Tâm Mặt Trời

11/08/2016 06:32 GMT+7

Từ đơn thư của hàng ngàn bị hại gửi đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an về việc bị lừa đảo, C50 đã lập chuyên án.

Kết quả sau 3 tháng đấu tranh, C50 đã bắt được 4 đối tượng là lãnh đạo Công ty CP đầu tư Tâm Mặt Trời vì lừa đảo thông qua hoạt động kinh doanh bán gian hàng ảo theo hình thức đa cấp. Theo một cán bộ trinh sát, đây là công ty đầu tiên bán gian hàng ảo, do Nguyễn Hoàng Vũ làm tổng giám đốc, Thiên Sanh Trí (phó tổng giám đốc), Đỗ Văn Hiền và Lê Văn Đình là chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT.
Tháng 9.2009, Vũ, Hiền và Đình đứng ra thành lập công ty, có trụ sở chính tại số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1 (TP.HCM). Khi thành lập, Đình lấy giấy CMND của vợ để đăng ký kinh doanh. Đến tháng 8.2010, Trí tham gia cổ đông. Mục đích lập công ty của 3 đối tượng là để đăng ký mạng xã hội trực tuyến, lập trang web với tên miền là www.emt.vn hoặc www.emt.com.vn để tạo ra các gian hàng ảo giống như sàn giao dịch thương mại điện tử bán cho khách hàng để thu tiền. Công ty chưa được Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cấp phép trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Hốt bạc” từ gian hàng ảo
Theo hồ sơ của C50, để thực hiện việc bán các gian hàng ảo, các thành viên trong HĐQT công ty quy định, trong thời gian đầu mỗi gian hàng ảo được bán với giá 4,8 triệu đồng, từ tháng 6.2010 đến tháng 12.2011 bán với giá 5,2 triệu đồng và từ tháng 1.2012 được bán với giá 6 triệu đồng. Để trở thành hội viên cấp 1, khách hàng phải đóng 3 triệu đồng mua gian hàng (tương đương 300 S, mỗi S tương đương 10.000 đồng), hội viên cấp 2 phải đóng 6 triệu đồng.
Để kích thích nhiều người tham gia, thành viên HĐQT công ty còn quy định các hình thức được hưởng hoa hồng. Cụ thể, nếu hội viên giới thiệu được một hội viên cấp 1 sẽ được thưởng hoa hồng là 100 S (tương đương 1 triệu đồng); giới thiệu được hội viên cấp 2 được thưởng 200 S. Khi hội viên giới thiệu kết nạp được 99 người, 2 nhánh được 198 người thì được công nhận là hội viên VIP và được thưởng hoa hồng từ 80 - 100 triệu đồng.
Trùng hợp may mắn là thời điểm “Tâm Mặt Trời” bị cơ quan công an nhòm ngó cũng là lúc công ty này “tố” với C50 bị Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến MB24 lấy trộm danh sách khách hàng. Lợi dụng cơ hội này, các trinh sát đã tiến hành lấy được toàn bộ dữ liệu của công ty. Sau đó, các trinh sát phải mất 1 tháng để xây dựng lại hệ thống sơ đồ làm việc như trang web của công ty. Khi xác định các tên miền công ty, xác định máy chủ, liên hệ nhà cung cấp dịch vụ thu cơ sở dữ liệu về website thì trinh sát đã tạo ra một website tương tự để điều nghiên. Từ đây, các trinh sát phát hiện tất cả là gian hàng ảo.
“Mang tiếng là thương mại điện tử nhưng không có bất cứ mặt hàng thật nào, chúng phát triển mạng lưới càng rộng thì sẽ được ăn tiền hoa hồng càng nhiều. Các đối tượng chúng hướng đến chủ yếu là sinh viên, vì chỉ sinh viên mới dễ dụ dỗ, tin lời đường mật của chúng”, trinh sát nhớ lại. Đặc biệt, tiến hành xác minh các tài khoản ngân hàng, trinh sát phát hiện con số khủng là hơn 100 tỉ của nhiều chi nhánh trong cả nước gửi về vào các tài khoản của công ty chính tại TP.HCM.
“Đánh” vào giới sinh viên
Các nạn nhân không hay biết mình bị lừa, hằng tháng kêu gọi được nhiều người mua các gian hàng ảo và cứ gửi tiền về cho ban lãnh đạo. Nhưng các “lãnh đạo” lại dùng tiền đó để mua xe, mua nhà, chơi chứng khoán, ăn ngon mặc đẹp...
“Họ đi ô tô sang trọng, ăn mặc vest, nói chuyện rất hay và khi nào cũng gặp mặt khách ở trong nhà hàng khách sạn nổi tiếng để ai cũng tin tưởng họ. Ngoài ra, các văn phòng đại diện chủ yếu sát trường đại học, cao đẳng, trung cấp để dễ tiếp cận sinh viên hơn. Khi tiếp cận được với sinh viên, họ vẽ cho các sinh viên một tương lai tốt đẹp như cho đi học, việc làm ổn định, lương cao... nhưng thực tế là hứa lèo”, trinh sát nói.
Từ khi thành lập cho đến khoảng tháng 10.2012, Công ty CP đầu tư Tâm Mặt Trời đã bán ra tổng số 23.348 gian hàng ảo, thu được số tiền hơn 121,7 tỉ đồng tại nhiều tỉnh, thành. Trong đó, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền là 8,7 tỉ đồng để chia nhau.
Thiếu tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 2 (C50), cho biết hiện nay rất nhiều đối tượng sử dụng lợi thế về công nghệ rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng nghĩ mọi hành vi vi phạm pháp luật qua mạng internet sẽ khó bị cơ quan công an phát hiện, tuy nhiên công an đều có thể truy tìm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thiếu tá Hải kêu gọi các bị hại cần trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc trực tiếp đến C50 khi biết mình bị lừa đảo qua mạng để kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.