Như Thanh Niên thông tin, khuya 10.8, đại úy Lê Thanh Hải, Phó công an xã Thạnh Hội (TX.Tân Uyên, Bình Dương), dẫn đầu tổ tuần tra bằng xuồng máy đảm bảo an ninh trật tự và truy bắt cát tặc trên sông Đồng Nai. Thời điểm này, tổ tuần tra phát hiện một ghe đang hút cát lậu trên sông nên áp sát xuồng máy để lên ghe cát tặc. Khi đại úy Hải vừa lên ghe thì bất ngờ nhóm cát tặc nhấn chìm ghe, kéo xuồng máy chìm theo, rồi bơi vào bờ tẩu thoát. Đại úy Hải do không bơi kịp nên bị đuối nước, tử vong. Sáng 11.8, thi thể đại úy Hải đã được đưa về cho gia đình lo hậu sự.
Quá manh động
Thông tin cát tặc lộng hành khiến bạn đọc (BĐ) rất bức xúc. “Phải truy cho ra bọn cát tặc này. Sự hy sinh của anh quá đau buồn. Bọn này quá manh động, phải truy bắt và xử công khai ngay. Nên xử tội chống người thi hành công vụ kịch khung”, BĐ Dương Văn Tuấn đề nghị. “Bọn này quá liều lĩnh, như vậy là cố ý giết người. Pháp luật phải xử thật nặng tội giết người đối với những đối tượng này”, BĐ Trang Nguyen bức xúc.
Tương tự, BĐ Trần Thanh Tuấn cho rằng: “Cố ý giết người thi hành công vụ và gián tiếp gây nguy hại tính mạng người dân sống hai bên bờ. Cần một bản án thật nặng để răn đe”. Trong khi đó, BĐ Dang Xuan Dien đề nghị “phải có biện pháp chế tài mạnh với những loại người manh động côn đồ và những kẻ là chủ mưu...”, đồng thời “tịch thu phương tiện để răn đe, tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ và bảo vệ người dân”.
“Bọn này vì quyền lợi của mình mà cố tình làm sạt lở bờ sông, nay lại cố ý giết người thi hành nhiệm vụ, cần phải truy bắt, xét xử với bản án nghiêm minh”, BĐ Song Giang đề nghị.
Phải triệt tận gốc rễ
Những hệ lụy do cát tặc gây ra là rất lớn như làm thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông khắp nơi, phá vỡ khả năng bồi đắp theo dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân địa phương… Tuy nhiên, tình trạng bơm hút cát lậu vẫn diễn ra khắp nơi. Nhiều BĐ đặt vấn đề có phải do luật pháp chưa nghiêm hay có sự bảo kê nên cát tặc vẫn thỏa sức “tung hoành”? “Hệ lụy từ cát tặc từ lâu nay đã rõ, từ sạt lở đất đến nay thì thiệt hại về người. Có phải do luật pháp chưa xử lý nghiêm với loại tội phạm này?”, BĐ Nguyễn Thị Trang đặt vấn đề. Còn BĐ Mỹ Anh thì nghi ngờ “cát tặc lộng hành khắp nơi, tấn công lại người thi hành công vụ, không xem kỷ cương phép nước ra gì là do pháp luật chưa nghiêm hay có thế lực nào đó chống lưng?”.
Trong khi đó, theo BĐ Lê Thoại, để trị dứt điểm nạn cát tặc thì “nên sửa lại luật môi trường, hành vi hút cát trái phép quy vào tội phá hoại tài nguyên môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, đưa vào bản án hình sự tương đương tội danh cố ý giết người”. BĐ Yen Phong “hiến kế” để xử lý nạn cát tặc “chỉ cần bắt những bãi tập kết và xe chở cát lậu là chúng hết đường ngay”, đồng thời cho rằng “ngăn chặn nạn cát tặc có nhiều cách, vấn đề là có làm tới nơi hay không thôi”.
Tương tự, BĐ Quang Hải đề nghị: “Phạt tiền thật nặng cộng với tội phá hoại trầm trọng môi trường, cho chúng “hưởng” án hình sự mới hy vọng chúng từ bỏ. Ai là chủ ghe cũng phải phạt nặng, phạt hình sự; người làm công giúp gây án cũng phải bị xử lý hình sự, chặn từ gốc rễ mới triệt được”.
Quá xem thường pháp luật, dám chống đối lực lượng thi hành công vụ, phải xử nghiêm để các đối tượng khác không dám vi phạm.
Phạm Duy
Rất mong các cơ quan chức năng mạnh tay, cương quyết với những vụ việc vi phạm pháp luật như thế này.
Trực Ngôn
Luật cần phải tăng nặng với những đối tượng trộm cắp tài nguyên quốc gia, phạt tù, tịch thu tài sản phạm tội mới có tính răn đe.
James
|
Bình luận (0)