Phan Văn Anh Vũ chối tội, cựu chủ tịch Văn Hữu Chiến 'xin thông cảm'

Anh Vũ
Anh Vũ
05/01/2020 07:24 GMT+7

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói trong vụ án này mình bị 'ép' làm tội đồ, đồng thời xin lại tài sản bao gồm chiếc đồng hồ Rolex.

Trong khi đó, bị cáo Văn Hữu Chiến nhiều lần “xin thông cảm” khi bị truy về hành vi giao đất giá rẻ.

Vũ Nhôm đòi trả đồng hồ Rolex và cho rằng mình không bị bắt ở Singapore - Thực hiện: Anh Vũ

Ngày 4.1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm 21 bị cáo trong vụ bán đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79), gây thất thoát lớn ngân sách, xảy ra tại TP.Đà Nẵng. Trong phần xét hỏi, HĐXX “truy” Phan Văn Anh Vũ về các hành vi làm trái quy định của pháp luật. Theo cáo trạng, Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND TP.Đà Nẵng do cựu Chủ tịch Trần Văn Minh ký ban hành với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản nhằm trục lợi.
Kết quả điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Phan Văn Anh Vũ với ông Trần Văn Minh và các đồng phạm khác, nhưng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định: từ năm 2002 - 2010, Vũ đã thành lập 5 công ty để lấy tư cách pháp nhân mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng. Vũ đã thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất, khiến nhà nước thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng.

“Bị cáo hoàn toàn không có quan hệ với các lãnh đạo”

Trả lời trong khoảng 30 phút, Phan Văn Anh Vũ thừa nhận 5 công ty đều là công ty của gia đình. Trong đó, Vũ đại diện pháp luật tại Công ty CP xây dựng 79 và Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, còn lại do người thân, bạn làm đại diện, song bản thân là cổ đông chính và chỉ đạo mọi hoạt động.
Với 22 nhà, đất công bị quy buộc trục lợi, Phan Văn Anh Vũ chỉ đồng ý về số lượng; còn các hành vi, sai phạm, bị cáo cho rằng "không phải như truy tố". Các cuộc bàn bạc với các giám đốc công ty được thuê, mua các bất động sản, Vũ cho hay đó không phải thỏa thuận, “đi đêm”, mà là giao dịch thông thường về bất động sản, thuận mua vừa bán, không trái pháp luật. Thậm chí, bị cáo Vũ khẳng định nếu có tội tại phiên tòa này thì những "công ty bán sai sẽ phải chịu trách nhiệm" và bị cáo có thể kiện các công ty đã bán nhà công sản để mình vướng lao lý.
Khi HĐXX hỏi vì sao biết các lô đất "vàng" được chính quyền Đà Nẵng bán, Phan Văn Anh Vũ đáp lại: "Khi đó nhà đất ở Đà Nẵng đóng băng. Các bất động sản này được công bố công khai. Bị cáo là người kinh doanh bất động sản nên hiểu vấn đề này". Khi HĐXX dẫn các lời khai của một số bị cáo về việc Vũ có quan hệ thân thiết với các lãnh đạo Đà Nẵng, bị cáo lập tức phản bác: "Khai gì thì cũng phải có chứng cứ. Bị cáo không hiểu lời khai của các anh, các chị. Bị cáo hoàn toàn không có quan hệ với các lãnh đạo". HĐXX truy: “Bị cáo có biết Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng và có quan hệ thân thiết gì không?”. Phan Văn Anh Vũ nói không có quan hệ gì, còn tên tuổi lãnh đạo thì “là người kinh doanh bất động sản bị cáo không thể không biết”.

Than vì “không được nói”

Phan Văn Anh Vũ còn than vãn mình không có quyền được nói dù đã phải ra tòa 3 lần. Ngoài ra, cáo trạng vụ án đã quy kết bị cáo phạm tội là không đúng. Chủ tọa hỏi: “Nếu bị cáo không đứng sau thực hiện các hành vi, thì những lãnh đạo Đà Nẵng có vi phạm không. Bị cáo nhận thức thế nào?”. Bị cáo Vũ khai tại thời điểm đó không nhận thức được quyết định bán nhà công sản là đúng hay sai. Nhà nước có chủ trương bán, bản thân thấy hợp lý thì mua. Còn ai bán sai thì người đó phải chịu.
Xin 2 phút “được nói để rộng đường dư luận”, bị cáo Vũ trình bày: “Bị cáo đọc cáo trạng thấy mình giống như tội đồ, trung tâm của vụ án. Mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo, bị cáo chỉ là người đi mua chứ làm gì nên tội. Còn anh bán anh phải chịu trách nhiệm về tài sản của anh. Bị cáo đi mua của công ty nhà nước, chứ không phải công ty đầu đường xó chợ”.
Tiếp tục khai trước tòa, Phan Văn Anh Vũ cho biết quá trình điều tra đã bị thu giữ nhiều tài sản: “Bị cáo bị giữ 29.000 đô la Singapore, 1 đồng hồ Rolex, 3 cái điện thoại và hình như một máy tính xách tay, mong HĐXX trả lại cho bị cáo”.

Đà Nẵng chủ trương bán đất rẻ?

Trong phần thẩm vấn cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, đại diện Viện KSND hỏi về việc chuyển nhượng dự án 29 ha đất ở Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước bị cáo buộc gây thiệt hại ngân sách hơn 11.200 tỉ đồng.
Giải thích lý do ký Quyết định 5870 thu hồi và giao khu đất này cho Công ty CP xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ, bị cáo Chiến cho hay việc ký căn cứ vào nhiều yếu tố như: thỏa thuận nguyên tắc (cựu Chủ tịch Trần Văn Minh thay mặt UBND TP.Đà Nẵng ký với Công ty Daewon - Hàn Quốc), Công ty Daewon cũng yêu cầu giao đất cho Công ty CP xây dựng 79, báo cáo của Sở TN-MT, 2 quy hoạch chi tiết, sơ đồ ranh giới, ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Minh...
Đại diện Viện KSND hỏi: "Việc áp đơn giá năm 2006 cho đất giao năm 2011, có đúng quy định không?", bị cáo Chiến giải thích do bất động sản thời điểm đó đóng băng, khu đất 29 ha lại là đất mặt nước. Hơn nữa, theo thỏa thuận nguyên tắc chính là hợp đồng, chưa bên nào hủy hợp đồng từ sau năm 2006. Vì thế, bị cáo ký quyết định thu hồi đất, giao đất theo phân công. Đại diện Viện KSND tiếp tục truy vấn: "Tại thời điểm ký quyết định giao đất, bị cáo nghĩ gì khi giá trị đất lúc đó hơn 4.700 tỉ đồng mà chỉ thu hơn 87 tỉ đồng với giá 300.000 đồng/m2?". Bị cáo Chiến lý giải quyết định giao đất đã có từ năm 2006.
Khi được yêu cầu chứng minh câu trả lời này, bị cáo Chiến nói "đó là thỏa thuận nguyên tắc". Tuy nhiên, đại diện Viện KSND hỏi tiếp: "Chủ trương chung của TP có phải văn bản pháp luật không?", thì bị cáo Chiến nói xin được thông cảm vì đó là thực hiện theo chủ trương chung của TP. Đại diện Viện KSND hỏi: "Giả sử khi đó có đủ cơ sở cho thấy Quyết định 5870 gây thiệt hại cho nhà nước, bị cáo thấy có trách nhiệm gì không?". Bị cáo Chiến vẫn khẳng định mình làm "theo chủ trương của chủ tịch TP". "Nếu chủ tịch sai, bị cáo có sai không?", đại diện Viện KSND hỏi tiếp. Bị cáo Chiến đáp: "Chủ tịch sai thì còn có hai cơ quan tham mưu" và nói thêm: "Xin thông cảm cho bị cáo vì TP lúc đó là đại công trường, có hàng trăm dự án".
Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở T.Ư, giá trị quyền sử dụng đất và tài sản dự án 29 ha đất ở Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước là gần 11.323 tỉ đồng, trừ đi 87 tỉ đồng đã nhận, nhà nước bị thiệt hại hơn 11.235 tỉ đồng. Tại dự án này, đã có 189 lô đất biệt thự được chuyển nhượng cho 189 khách hàng với tổng giá trị giao dịch hơn 1.280 tỉ đồng.

Phan Văn Anh Vũ khai ra tự thú ở Singapore

Sáng 4.1, HĐXX hỏi bị cáo Phan Văn Anh Vũ có phải bị bắt vào ngày 4.1.2018 hay không, bị cáo này nói mình không phải bị bắt mà tự vào công an ở Singapore để được dẫn độ về Việt Nam.
“Việc truy nã, bị cáo không biết, không nhận được quyết định nào. Xin tòa cho bị cáo 2 phút được nói để rộng đường dư luận. Ở Singapore, qua mạng xã hội bị cáo thấy nhà mình bị khám xét. Sau đó, bị cáo tự tới công an ở Singapore để được đưa về Việt Nam trình diện ngày 4.1.2018”.
Tại phiên xét xử, HĐXX cho biết Phan Văn Anh Vũ sáng 4.1 đã gửi đơn tới tòa, trong đó đề nghị không gọi bị cáo là Vũ “nhôm”. Trước tòa, bị cáo Vũ cũng nói: “Thưa HĐXX, cha mẹ khai sinh ra bị cáo tên Phan Văn Anh Vũ, không có tên Vũ “nhôm”. Gọi Vũ “nhôm”, bị cáo thấy mình như tội đồ”. Trước đề nghị này, HĐXX đề nghị báo chí tôn trọng quyền cá nhân và không gọi bị cáo này là Vũ “nhôm” nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.