Camera “tố cáo”
Tại địa bàn Q.5, thời gian gần đây khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt ở giao lộ Tân Hưng - Thuận Kiều (P.12), tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán đã giảm hẳn. Tuyến đường Ngô Quyền (giáp ranh P.9 và P.12) cũng không còn bát nháo như trước.
|
Ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND P.12 (Q.5), cho biết trước đây camera an ninh chỉ có đường truyền về công an phường, quận nhưng nay để giám sát kỹ và xử lý nghiêm nạn lấn chiếm vỉa hè, phường đã lắp thêm đường truyền về ủy ban. Phường hiện có 92 camera, lắp đặt từ nguồn xã hội hóa. Ông Nam cho biết thêm, năm 2017 tổng số vi phạm bị xử phạt thông qua camera giám sát ở phường này là 869 vụ với số tiền phạt hơn 408 triệu đồng. Trong đó, vi phạm trật tự lòng lề đường 577 vụ, phạt 214 triệu đồng; vi phạm an toàn giao thông 263 vụ, phạt 184 triệu đồng...
“Đa số các trường hợp được phát hiện vi phạm qua camera, nặng thì bị lập biên bản xử lý, nhẹ thì chỉ nhắc nhở. Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng xuất hiện, họ vội dọn dẹp rồi cự cãi cho rằng mình không vi phạm, nhưng trước những hình ảnh camera ghi lại thì tâm phục, khẩu phục, đồng ý ký biên bản xử phạt. Từ đó, người vi phạm đã ý thức hơn rất nhiều”, ông Nam nói và cho rằng quản lý vỉa hè, lòng đường liên quan đến nhiều lực lượng, để tăng cường hiệu quả trong phối hợp giám sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm, địa phương chuẩn bị đầu tư thêm 6 bộ đàm cho các lực lượng như trật tự đô thị, địa chính, tài nguyên - môi trường, cảnh sát khu vực... “Khi có sự vụ xảy ra trên địa bàn như lấn chiếm vỉa hè, tụ tập nhóm... chỉ cần thông báo qua bộ đàm, liên kết tất cả bộ phận đều nắm được. Tùy vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng nào thì lực lượng đó phải đến hiện trường xử lý ngay”, ông Nam nói.
tin liên quan
Mắt thần’ nhận diện được biển số xe vi phạm, CSGT ‘truy’ phạt đến cùngTrong khi đó, tại Q.Gò Vấp, ông Đặng Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.14, cho biết phường vừa phát triển thêm hơn 20 camera, nâng tổng số camera trên địa bàn lên 193. “Cùng với việc xử phạt trực tiếp, tại những điểm sau khi lắp đặt camera thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã được cải thiện đáng kể”, ông Tuấn thông tin.
Tương tự, Chủ tịch UBND Q.12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết trung tâm chỉ huy an ninh của quận đã lắp đặt khoảng 600 camera ở 11 phường. Hình ảnh qua camera không chỉ giúp giám sát, xử lý tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, mà còn sử dụng để phát hiện vi phạm lấn chiếm vỉa hè, trên cơ sở đó giúp lãnh đạo quận giám sát từ xa, kịp thời chỉ đạo xử lý.
Điện thoại “phản ánh”
Bên cạnh hệ thống camera lắp đặt cố định, Q.Bình Thạnh là nơi đầu tiên của TP xây dựng phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” ứng dụng vào việc quản lý, điều hành trong lĩnh vực đô thị thông qua thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại, máy tính bảng...).
Theo đó, bất cứ người dân nào cũng có thể tải ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” về ĐTDĐ thông qua App Store hoặc CH Play. Chức năng phản ánh vi phạm trật tự đô thị của ứng dụng này cho phép người dân phản ánh về lấn chiếm lòng lề đường, vệ sinh môi trường, xây dựng không phép... Người dân chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm rồi gửi tin. Lập tức, hình ảnh vi phạm sẽ tự động chuyển đến chủ tịch UBND phường nơi vi phạm, lãnh đạo quận và các phòng ban để chỉ đạo xử lý, theo dõi kết quả xử lý...
tin liên quan
Không chấp nhận ai xem vỉa hè là 'tài sản' riêngTrao đổi với PV Thanh Niên ngày 15.1, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết từ khi đưa phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” vào hoạt động (tháng 4.2017) đến nay, quận tiếp nhận hơn 6.000 phản ánh thông qua ứng dụng này. “Từ thông tin phản ánh đó, lực lượng quản lý đô thị của phường, quận có trách nhiệm xử lý ngay trong vòng 2 giờ. Việc kiểm tra, xử lý phải kịp thời, tiến hành thường xuyên, bởi nếu để quá 2 giờ không xử lý, báo cáo kết quả lên hệ thống giám sát nội bộ, thì ứng dụng sẽ nhắc cảnh báo. Cách làm này rất gọn, hiệu quả về mặt tổ chức lực lượng, bởi không cần ra quân rầm rộ như trước mà lực lượng chức năng vẫn có thể giám sát toàn bộ địa bàn về trật tự đô thị”, ông Thắng nói.
Nhân rộng cách làm
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương TP tạm thời cho phép người dân khai thác sử dụng một phần vỉa hè để cùng chính quyền quản lý hiệu quả lĩnh vực này. “Khi được giao vỉa hè, không ai được xem đó là tài sản của riêng mình. Người dân sử dụng tạm vỉa hè phải trên 2 nguyên tắc: không gây cản trở giao thông cho người đi bộ; đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị. Chính quyền quận, huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm giám sát, xử lý, thu hồi quyết định "tạm cho quản lý sử dụng vỉa hè" nếu người được sử dụng vỉa hè vi phạm cam kết với chính quyền. Địa phương cấp phép nhưng để người được cấp phép không sử dụng vỉa hè đúng cam kết, dẫn đến mất vệ sinh, nhếch nhác thì lãnh đạo địa phương sẽ bị kỷ luật”, ông Tuyến khẳng định và cho rằng bên cạnh tuần tra, xử lý trực tiếp, việc giám sát và phạt nguội qua hình ảnh camera, hình ảnh người dân cung cấp sẽ nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng vỉa hè, lòng đường.
|
Trong khi đó, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho biết từ hiệu quả của ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” và cách làm của một số địa phương, UBND TP đã có chỉ đạo Sở nghiên cứu mở rộng, nâng cấp đồng bộ ứng dụng trên phạm vi toàn TP nhằm phát huy được vai trò của người dân trong việc giám sát, cùng TP trong việc giải quyết những vấn đề dân sinh, đặc biệt là vấn đề quản lý lòng, lề đường, chống tái lấn chiếm.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TP đang triển khai đề án “Thành phố thông minh”, trong năm 2018 này kêu gọi đầu tư các hạng mục chính của đề án, trong đó có trung tâm điều hành. “Trung tâm sẽ mở rộng kết nối camera mà 24 quận, huyện đã đầu tư để không chỉ giám sát an ninh trật tự, điều hành giao thông, hỗ trợ chỉ đạo ứng phó sự cố…, mà còn để phục vụ việc quản lý trật tự đô thị, xử lý tái lấn chiếm vỉa hè. Hình ảnh ghi nhận qua camera, thiết bị điện tử cầm tay cũng sẽ là cơ sở để xử lý vi phạm”, ông Phong khẳng định.
Chính quyền buông lơi, vỉa hè bị tái chiếm
Nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè được chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2017. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, hàng loạt tuyến đường ở các quận trung tâm TP bị tái lấn chiếm tràn lan.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) có gắn camera dày đặc nhưng tình trạng ô tô đậu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở khu vực này khá phổ biến, thậm chí cả ở một số vị trí có biển cấm. Khi hỏi các tài xế lý do vì sao đậu ô tô tràn ra lòng đường, nhiều tài xế bảo rằng “do không thấy đoàn liên ngành ra quân nên không lo bị ai phạt!”. Tương tự, nhiều tuyến đường trung tâm TP như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Chiêm, Huỳnh Thúc Kháng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… cũng bị tái lấn chiếm “không thương tiếc”, khi dưới đường ô tô đậu tràn lan, vỉa hè bị xe máy “đóng chiếm” bít lối của người đi bộ. Tại các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trãi..., bàn ghế hàng loạt quán nhậu bày la liệt trên vỉa hè.
Một số khu vực ở Q.3, Q.10... từng là điểm nóng về trật tự lòng lề đường, cũng phổ biến hình ảnh vi phạm: hàng chục ô tô đậu kéo dài trên đường Thành Thái (P.14, Q.10) khiến lòng đường bị thu hẹp đã đành, nhưng trên vỉa hè, nhiều quán nhậu còn dàn bàn ghế chiếm hết.
Bà Vân Anh (50 tuổi, ngụ Q.1) than thở: “Đến giờ thì vỉa hè bị tái chiếm y như cũ rồi do không kiểm tra thường xuyên, xử phạt nghiêm nữa. Khi đã gắn camera thì cần đẩy mạnh phạt nguội để có sức răn đe, góp phần ngăn chặn những hành vi tái lấn chiếm vỉa hè”.
Đức Tiến - Trác Rin
|
Ý kiến
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM
Đừng làm kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM
Đình Phú (ghi)
|
Bình luận (0)