Phó chủ tịch Quốc hội: 'Phụ nữ phải thấy xúc phạm khi bị gọi là chân dài'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/07/2020 14:49 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, có nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn ảnh hưởng tới người phụ nữ mà đơn cử là việc gọi phụ nữ là "chân dài".

Trình bày tờ trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14.7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, dự thảo Nghị định quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn quy định điều kiện về nội dung hoạt động nghệ thuật biểu diễn làm cơ sở quản lý chặt chẽ hơn theo hình thức hậu kiểm tại quy định về nguyên tắc hoạt động nghệ thuật biểu diễn (điều 3).
Theo đó, tất cả các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn có nội dung chống nhà nước; xâm phạm an ninh quốc gia; gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và vi phạm các quy định của pháp luật sẽ không được lưu hành, biểu diễn dưới tất cả các hình thức khác nhau.
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nội dung dự thảo quy định các nguyên tắc hoạt động biểu diễn nhưng nhiều điều thực chất là điều cấm. Chẳng hạn như quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn không có nội dung chống nhà nước, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... thì thực chất là điều cấm, chứ không phải là nguyên tắc.
Theo ông Hiển, có nhiều hoạt động biểu diễn cần phải được quy định chặt chẽ, coi đây như những điều cấm, ai vi phạm phải có chế tài xử lý.
Ông Hiển dẫn chứng các nội dung nghệ thuật biểu diễn về đồng bào dân tộc cứ phải “mày mày, tao tao”, rất phản cảm. “Tôi ở vùng đồng bào dân tộc nhiều năm có thấy họ nói thế đâu? Vì sao cứ phải mày mày tao tao mới là dân tộc?”, ông Hiển nói.
Một ví dụ khác, theo ông Hiển là có nhiều hoạt động ảnh hưởng đến hình ảnh của người phụ nữ. “Nói về người phụ nữ tại sao lại cứ phải nói là "chân dài" mà phụ nữ cũng không có phản ứng gì cả. Phải thấy xúc phạm chứ!”, ông Hiển nêu quan điểm.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, các quy định về nguyên tắc trong dự thảo Nghị định chính là những điều cấm, chứ không thể nói là nguyên tắc.
Ông Lưu cũng cho rằng, dự thảo Nghị định chuyển từ quan điểm phê duyệt, thẩm định sang kiểm tra, xử phạt theo hướng hậu kiểm nghe rất tân tiến, rất hay, vì bỏ được thủ tục hành chính, nhưng hoạt động nghề thuật biểu diễn khác với các loại hình đầu tư kinh doanh khác vì liên quan quan tới văn hóa, tư tưởng, rất “nhạy cảm”.
“Nếu họ biểu diễn công chúng bị ảnh hưởng, anh đi kiểm tra dừng tại chỗ nhưng chưa chắc ổn, hậu quả đã gây ra rồi. Đề nghị cân nhắc kỹ chứ không thể theo cơ chế thị trường như vậy được”, ông Lưu nói.

Người nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn không cần xin phép

Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ cũng cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính gồm: cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Nghị định thực hiện thêm một bước cắt giảm thủ tục cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, vì nhận thấy đối tượng này đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, pháp luật về lao động.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lưu cho rằng, việc người nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật cần có quy định riêng chứ không chỉ dựa vào quy định về xuất nhập cảnh. “Phải biết biểu diễn gì, nội dung, tư tưởng nghệ thuật như thế nào, phải thẩm định, kiểm tra”, ông Lưu nói.
Cùng quan điểm này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự thảo quy định khá kỹ về việc người Việt Nam đi nước ngoài biểu diễn nhưng quy định về việc người nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn còn “rất mờ” và đề nghị cần có chế tài chặt chẽ hơn.
Cũng theo ông Phúc, có rất nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần phải có quản lý thống nhất các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đường phố, người mù biểu diễn trên phố cho tới biểu diễn ở đám cưới, hát karaoke ở nhà vượt công suất...
“Hiện có nhiều cấp người đẹp từ thôn, xã, tỉnh, xã, nên quy định cụ thể để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân”, ông Phúc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.