Chiều 29.10, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) chủ trì hội thảo lấy ý kiến các đơn vị nghệ thuật, các nhà quản lý văn hóa cấp sở về dự thảo nghị định quy định về hoạt động biểu diễn.
Thêm giấy phép, bớt thủ tục
Dự thảo nghị định mới có 6 chương, 38 điều, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn lãnh thổ VN hoặc từ VN ra nước ngoài; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân VN và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đáng chú ý, dự thảo mới có quy định về loại giấy tờ mới, buộc phải có trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn, đó là giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật và giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu. Về loại giấy phép này, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT TP.Hà Nội, cho biết: “Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh rất cần thiết. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp vi phạm, có thể bị thu hồi giấy. Ở Hà Nội, từng có đơn vị khi tổ chức biểu diễn để xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép hoạt động của doanh nghiệp vì không có quy định”.
Ông Trực cũng đồng tình việc trong hồ sơ xin cấp phép phải có giấy tờ xác nhận sự đồng ý cho tổ chức của chủ địa điểm. Theo ông Trực, nhiều năm trước ở Hà Nội đã có quy định phải có loại giấy này, sau đó bị yêu cầu dẹp bỏ. Tuy nhiên, Sở vẫn tiếp tục yêu cầu phải có giấy tờ này khi làm thủ tục. “Khi có đơn vị xin tổ chức sự kiện nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây, chúng tôi yêu cầu rất rõ chủ địa điểm phải có giấy cam kết đảm bảo về an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, y tế. Với các địa điểm biểu diễn như Cung hữu nghị Việt Xô hay Nhà hát Lớn, các điều kiện đó thường được bảo đảm, còn ở Công viên nước Hồ Tây thì chủ địa điểm phải cam kết. Sau đó, khi vụ việc có người bị nạn xảy ra, công viên nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Trực cho biết. Cùng quan điểm, NSƯT Xuân Bắc cho rằng địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn lớn cũng cần phải có chứng nhận đảm bảo điều kiện để tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn và giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu có thể được cấp mới, cấp đổi, cấp lại. “Theo quy định cũ, mỗi đơn vị đi biểu diễn ở 2 tỉnh sẽ phải có 2 bộ hồ sơ, một về Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhưng khi nhận được giấy phép, đơn vị tổ chức lại thay đổi chương trình đã duyệt, hoặc có sự cố xảy ra thì họ không khắc phục được hậu quả. Vì thế, Cục sẽ cấp giấy phép điều kiện này. Giấy phép được công bố trên website của Cục để các địa phương tiện tra cứu. Đơn vị đến địa phương thì địa phương biết họ đã đủ năng lực, điều kiện tổ chức biểu diễn. Địa phương chỉ cần duyệt nội dung chương trình”, ông Vinh nói.
Cũng có một quy định khác liên quan đến quyền của chủ địa điểm biểu diễn. Theo đó, họ có thể yêu cầu cá nhân/tổ chức thuê, sử dụng địa điểm giải trình hoặc ra quyết định tạm dừng, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện có dấu hiệu lợi dụng hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật để che giấu vi phạm pháp luật. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, cho rằng đây là điểm mới và đề nghị: “Điều này cần phải rõ ra chứ không thì phức tạp”.
Chưa có quy định về loại hình biểu diễn onlineHiện tại vẫn chưa có quy định về các loại hình biểu diễn online, biểu diễn qua màn hình… trong dự thảo nghị định mới. Chính vì thế, NSND Lê Tiến Thọ băn khoăn: “Hình thức tổ chức biểu diễn trước khán giả qua màn hình thì quản lý thế nào? Có nằm trong nghị định này hay không? Nếu không thì có văn bản nào để quản lý hình thức ấy?”. Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng những chương trình biểu diễn như vậy sẽ được Bộ VH-TT-DL giải quyết chung với Bộ TT-TT sau này.
|
Thoáng hơn trong cấp phép ca khúc
Việc cấp phép bài hát, chương trình biểu diễn, theo dự thảo nghị định, sẽ giản tiện hơn quy định hiện nay. Dự kiến việc cấp phép chương trình sẽ được phân quyền về các địa phương. “Cần trao thêm quyền cho địa phương theo hướng tăng quyền cho đơn vị trực tiếp cấp phép. Như thế sẽ ổn hơn, vì chương trình phù hợp với địa phương này chưa chắc hợp địa phương khác”, ông Vinh nói.
Với việc cấp phép bài hát, ông Vinh cho rằng hiện nay đang tồn tại tình trạng các nghệ sĩ chỉ được hát bài cho phép. “Có thể quy định này phù hợp giai đoạn cũ nhưng giờ thay đổi. Bài hát là sở hữu cá nhân, quyền công bố thuộc về chủ thể. Người dân lại muốn thụ hưởng theo lựa chọn. Vì thế, nên quy định các điều bài hát không được vi phạm, có nghĩa là nếu có nội dung như vậy thì không được sử dụng. Như thế sẽ thuận tiện cho cơ quan quản lý”, ông Vinh đề xuất và nói thêm việc cho biểu diễn bài hát như vậy đòi hỏi tư duy của người quản lý cởi mở hơn. Tuy nhiên, ông Trực cho rằng các ca khúc lần đầu phổ biến thì cần phải gửi lên xem xét vì “có những bài hát underground có nhiều lời ngô nghê hay vi phạm cái này cái khác, nếu đồng ý cho hát thì trách nhiệm của Sở cực kỳ lớn, vì nó đương nhiên được phổ biến toàn quốc”.
Dự thảo nghị định mới cũng không phân biệt nghệ sĩ Việt kiều, chỉ quy định trường hợp không có quốc tịch VN (gồm cả nghệ sĩ gốc Việt và nghệ sĩ nước ngoài) và có quốc tịch VN. Về điều này, ông Trực cho rằng “như vậy rất thông thoáng”. Đáng chú ý, với các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, đối tượng dự thi đã không còn gói gọn là nữ giới như trước. Điều này sẽ mở cửa cho các cuộc thi nam vương hay người đẹp chuyển giới.
Tới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ lấy ý kiến thêm về dự thảo nghị định này tại TP.HCM.
Bình luận (0)