Thông tin trên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sáng 30.10, trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn.
Sau khi lắng nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ chính thức bước vào chất vấn.
Đánh giá khái quát việc thực hiện sau chất vấn của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả là đáng ghi nhận, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nội dung cần có lộ trình để thực hiện, một số nội dung chậm triển khai hoặc thực hiện chưa có hiệu quả, nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị, cần thiết có sự đánh giá tổng thể làm rõ khó khăn vướng mắc từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là thể hiện thái độ giám sát đến cùng và thể hiện sự đồng hành với Chính phủ của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, lần này chất vấn không theo nhóm như thông lệ mà chất vấn các vấn đề liên quan đến các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội và giám sát chuyên đề.
Chất vấn lĩnh vực nào thì trước hết trưởng ngành đó có trách nhiệm trả lời, liên quan đến điều hành chung thì các phó thủ tướng trả lời. Riêng với lĩnh vực Bộ Thông tin - truyền thông phụ trách sẽ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời, vì Bộ trưởng vừa mới được Quốc hội phê chuẩn.
Cuối phiên chất vấn Phó thủ tướng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết: cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn của các ĐBQH dân chủ, trí tuệ, tăng tính tranh luận, qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả; nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình xem xét các luật, lựa chọn chuyên đề giám sát.
Tất cả các Đoàn ĐBQH đều nhận xét Chính phủ, các bộ, ngành rất nỗ lực, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri, có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, số lượng và thời hạn giải quyết, cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri.
Lần đầu tiên có Bộ không còn tồn đọng khiếu nại chưa giải quyết như Bộ KH-CN, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước.
Một số bộ được cử tri đánh giá cao trong giải quyết một số kiến nghị mà cử tri tại địa phương nêu, như kiến nghị của 239 hộ dân xã Thiết Ống (Thanh Hóa) bị ảnh hưởng do thi công đường 217, đã được Bộ GTVT bồi thường ngay trong thời gian giữa hai kỳ họp.
Khi cử tri TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ... phản ánh về an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng, Bộ CA đã tổ chức 120.307 lượt kiểm tra trên toàn quốc, phát hiện 6.951 cơ sở vi phạm, phạt hành chính gần 16 tỉ đồng.
Bộ TN-MT đã kiểm tra, xử lý được 634 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Công ty Leenman (Hậu Giang), nhà máy Alumin Nhân cơ (Đăk Nông)...
Đặc biệt, trước phản ánh của cử tri và dư luận về hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để “nhũng nhiễu” doanh nghiệp, đòi hối lộ, Bộ TT-TT đã rất nhanh chóng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý vấn đề này.
Tuy nhiên, cử tri vẫn chưa hài lòng vì một số văn bản trả lời của các bộ còn có nội dung còn chung chung, chủ yếu là tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết nên khó khăn khi thực hiện
Thứ hai, một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến người dân, nguồn thu của ngân sách.
Thứ ba, việc cải cách thủ tục hành chính, được Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt, có nhiều chuyển biến, nhưng trong một số ít lĩnh vực việc cắt giảm còn hình thức, chạy theo số lượng có lĩnh vực chi phí tuân thủ cho một thủ tục lên tới hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng.
Chất lượng y tế, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu...
Bình luận (0)