3 đứa trẻ ở cửa Hàm Luông

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
30/07/2018 08:53 GMT+7

3 đứa trẻ xứ dừa đồng mặn đã gắng gượng vượt lên những khó khăn vất vả cùng cực của gia đình, để học chăm - viết giỏi trong sự đùm bọc của nghĩa tình bộ đội, đồng bào.

Ai đến cửa biển Hàm Luông (Ba Tri, Bến Tre) cũng được nghe bà con kể chuyện về 3 đứa trẻ xứ dừa đồng mặn đã gắng gượng vượt lên những khó khăn vất vả cùng cực của gia đình, để học chăm - viết giỏi trong sự đùm bọc của nghĩa tình bộ đội, đồng bào.
Cơm nguội mỗi ngày
Cứ buổi chiều, anh Đặng Hoàng Đoàn (43 tuổi) ra chợ xã An Hòa Tây (Ba Tri, Bến Tre) mua đồ ăn, nhưng không người bán hàng nào lấy tiền của anh. Ai cũng dúi vào cái làn nhựa cũ kỹ, từ con cá, mớ rau, chai mắm, gói muối… và vỗ vai động viên: “Bà con giúp đỡ, gắng chăm vợ và nuôi sắp nhỏ”. Vợ anh Đoàn là chị Nguyễn Thị Nạo (41 tuổi), mắc bệnh ung thư vú di căn, đã điều trị từ năm 2014 đến nay nhưng hiện bệnh viện trả về bởi bệnh ở giai đoạn cuối, mỗi ngày uống thuốc lá mua từ ông thầy lang ở Sóc Trăng, mong điều kỳ diệu chữa lành. Ngày trước, anh Đoàn đi làm thuê nghề biển, nhưng từ hồi vợ ốm, phải nghỉ ở nhà chăm sóc vợ con, bởi nhà chẳng có ai. Con trai đầu Đặng Hoàng Quân (26 tuổi) đã lập gia đình, nhưng nghèo quá, chẳng giúp được gì cho ba mẹ. Mọi khoản chi tiêu trong nhà bây giờ trông hết vào cậu trai sau là Đặng Hồng Nhân (23 tuổi) mỗi ngày đi biển làm thuê kiếm 200.000 đồng/ngày nếu thời tiết thuận lợi, tàu ra khơi. Dịp bão gió, cả nhà đành… đói.
Khó khăn và cùng quẫn thế, nhưng bé út Đặng Ngọc Trinh (8 tuổi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học An Hòa Tây 1) lại rất chăm ngoan học giỏi. Hôm chúng tôi đến căn nhà dựng lên từ gần 20 năm trước từ xỉ than, mái xi măng thủng lỗ chỗ, cửa sổ che sơ sài bằng lá dừa ở ấp An Bình 1 (xã An Hòa Tây), bé Trinh đang ngồi trên chiếc bàn gãy chân kê trên nền đất, chụm môi viết bài luyện “Cháu nhớ Bác Hồ”. Những con chữ nghiêng nghiêng đều đặn khiến tôi sững sờ: “Đẹp quá”. Đại úy Lê Ngọc Thuận, Chính trị viên Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bến Tre chỉ tay lên vách nhà treo cả chục bằng - giấy khen, bảo: “Con học rất giỏi, vừa đoạt giải ba cuộc thi viết chữ đẹp của tỉnh” và cười: “Nhà nghèo nhưng không bao giờ thiếu vở viết, vì được tặng thưởng nhiều lắm”. 
3 đứa trẻ ở cửa Hàm Luông1
Đặng Văn Can (bìa trái) cùng mẹ và em trong căn nhà tình thương Ảnh: Độc Lập
8 tuổi học lớp 2 nhưng Trinh già dặn như lớp 5 - 6. Mỗi buổi sáng, cô bé dậy sớm nấu cơm cho cả nhà. Nấu 1 bữa, ăn cả ngày và từ nhỏ tới giờ, không có khái niệm “quà sáng”, ngoài cơm nóng buổi sáng, trưa tối chỉ cơm nguội và đồ ăn nguội. Ăn xong là cô bé đi học. Bao giờ cũng đến lớp sớm nhất vì được bầu làm lớp trưởng phải quản lớp và học giỏi, nên đến giúp mấy bạn học yếu dò bài. Những hôm luyện viết chữ đẹp, các thầy cô kéo ở lại ăn trưa nhưng Trinh nằng nặc: “Con về đút cháo cho má, xong lại tới trường”. Chiều tối, sau khi đã giúp má tắm giặt dọn nhà, cô bé ngồi vào bàn học, liền tù tì đến 10 giờ đêm mới chui vào mùng ôm má, vừa ngủ vừa bóp vai cho má, đêm nào cũng nghèn nghẹn khóc thương con. Hỏi Trinh: “Con ước mơ gì?”, cô bé thành thật: “Giá con lớn nhanh như anh hai, để làm bác sĩ chữa bệnh cho má khỏi đau”…
“3 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực cửa biển Hàm Luông (Ba Tri, Bến Tre) đang được cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 - BĐBP tỉnh Bến Tre đỡ đầu. Ngoài việc thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, mỗi tháng các cháu được đơn vị hỗ trợ 500.000 đồng. Đây là số tiền trích từ lương, phụ cấp của các quân nhân. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ vật chất, giúp cho gia đình vượt qua khó khăn vất vả”.
Cậu bé đảm đang
13 tuổi nhưng cao gần 1,7 m, mặt mũi sáng láng thông minh, Nguyễn Quang Huy là học sinh lớp 7 Trường THCS An Hòa Tây, cứ đến xã nói tên thì ai cũng biết, bởi đây là cậu bé có nhiều điều rất đặc biệt. Huy là con trai của thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thẳng (41 tuổi, nhân viên thông tin thuộc Hải đội 2, BĐBP tỉnh Bến Tre) và mẹ là Nguyễn Thị Mộng Thu (36 tuổi, không có việc làm). Năm 2002, vợ chồng Thẳng - Thu cưới nhau và ở nhờ nhà cha mẹ dưới H.Giồng Trôm chưa được bao lâu thì cả 2 phải dắt nhau đi TP.HCM… nằm viện. Anh Thẳng nằm Bệnh viện 175, điều trị u ác tính; chị Thu nằm Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị bệnh lupus ban đỏ mãn tính, không tiếp xúc được với nắng và làm việc nặng. Một thời gian thì cả hai bị trả về do Thẳng không chịu nổi hóa trị còn Thu không có phác đồ điều trị. Trong lúc chờ xe đơn vị lên đón, bác sĩ điều trị thấy cậu biên phòng gầy gò lơ vơ thương cảm, gọi vào nhập viện tiếp, thay máu và khi về nhà, lai rai uống thuốc nam, tự nhiên u xẹp dần, thoát chết trong gang tấc. Trở lại đơn vị công tác, hai bên nội ngoại "xúi" sinh em bé. hai vợ chồng “nhắm mắt làm liều”. Thế là ra thằng cu Huy.
Huy rất thông minh. 8 năm học đều được học sinh giỏi, luôn đứng đầu lớp và chừng ấy năm được bầu làm lớp trưởng. Đến trường thì thôi, cứ về nhà là lao vào làm việc nhà bởi bố đóng quân ở đơn vị, mẹ không được ra nắng và chỉ làm việc nhẹ. Từ giặt giũ phơi quần áo cho đến nấu cơm rửa bát, cậu trai xăm xắn làm. Hết việc, cậu ngồi góc nhà đính hạt cườm gia công đồ trang trí, làm thành những cái nhẫn, ví xinh xinh xanh đỏ đung đưa, cùng mẹ kiếm 50.000 - 100.000 đồng công mướn mỗi ngày. Mỗi tháng, mẹ phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thường kỳ, Huy đảm nhiệm hết mọi việc học hành - nhà cửa - đính hạt cườm thuê nên bố Thẳng trực ở đơn vị rất yên tâm.
3 đứa trẻ ở cửa Hàm Luông2
Nguyễn Quang Huy giúp mẹ đính hạt cườm trang trí Ảnh: Độc Lập
Gia đình bộ đội nuôi người bệnh, nên cứ hết tháng là khoản thu nhập gần 10 triệu đồng hết vèo. Thi thoảng bố Thẳng động viên: “Bố mẹ sẽ cố chắt bóp dựng túp nhà bé, đỡ phải đi ở thuê con nhé!”, Huy lại cười động viên: “Mấy năm nữa học xong THPT, con sẽ thi vào trường quân đội để dành trọn tiền lương, dựng ngôi nhà đàng hoàng cho bố mẹ yên tâm ngủ mỗi đêm”. Nghe hai bố con nói chuyện, tôi tò mò: “Rành quân đội dữ ta?”, thượng úy Thẳng ngượng nghịu: “Hồi bé, mẹ nằm viện liên tục nên phải đưa con vào đơn vị ở với bố cho đỡ tiền thuê nhà và tiện chăm sóc, nên cu cậu quen”…
Mỗi chiều đem tập sách đến doanh trại Đặng Văn Can năm nay 8 tuổi nhưng vẫn học lớp 1, Trường tiểu học An Hòa Tây 2. Bố Can là anh Đặng Văn Bút (34 tuổi), trước đi làm nghề biển thuê bị mất 1 cánh tay nên phải chuyển sang bán vé số dạo, đầu tháng 3.2018 đột ngột qua đời. Mẹ Can là chị Bùi Thị Phùng Em (34 tuổi), thần kinh không bình thường, suốt ngày cười ngơ ngẩn nhớ nhớ quên quên, giờ lại thay chồng bán vé số dạo, nuôi Can và 2 đứa em 3 và 6 tuổi, ngày nào may lắm mới kiếm được 50.000 đồng tiền lời mua gạo muối. Nhà Can nằm bên bờ sông Hàm Luông lay lắt gió lùa vào căn nhà tình thương trống hoác, không có bất cứ tài sản nào đáng giá 500.000 đồng.
Đại úy Lê Ngọc Thuận, Chính trị viên Hải đội 2 - BĐBP Bến Tre, nói: “Căn nhà tình thương này mới được bộ đội huy động xây dựng, trước gia đình ở trong lều làm bằng lá dừa” và kể: Đơn vị quyết định nhận kèm cháu Can học tập. Hằng ngày, cứ 4 giờ chiều là Can mang tập, sách vào doanh trại, để các đoàn viên thanh niên trong đơn vị thay nhau làm… thầy giáo. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ còn trích tiền lương - phụ cấp hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để phụ mẹ cháu nuôi 3 đứa nhỏ…
Chị Phùng Em lơ ngơ: “Cả nhà này, mỗi thằng Can giờ biết mặt chữ bộ đội dạy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.