Singapore quen mà vẫn lạ

16/12/2012 03:30 GMT+7

Dù đã đến Singapore 2 lần, nhưng chuyến đi mới đây theo chương trình của Tổng cục Du lịch Singapore vẫn làm tôi ngạc nhiên.

Singapore như cô gái vốn không đẹp, không có gì đặc sắc, nhưng lại có tiền và biết cách chưng diện, làm mới mình, nên dù thấy “nàng” đã quen thuộc lắm người ta vẫn phải để mắt đến.

Cái gì cũng bảo tồn !

Một nhà báo trong đoàn đã thốt lên ngạc nhiên như vậy sau khi tham quan khu Tiong Bahru, nơi rất ít du khách Việt Nam biết tới.

 Trưng bày bên trong Bảo tàng quốc gia Singapore
Trưng bày bên trong Bảo tàng quốc gia Singapore - Ảnh: P.T.N

Đối diện chợ Tiong Bahru là một dãy chung cư thấp tầng với những căn hộ hình ống, cánh cửa sắt kéo phía trước, cầu thang bộ chung vừa dài vừa hẹp, trông như một số chung cư cũ ở nội thành Sài Gòn hiện nay, có điều được sơn trắng toát và nhìn sạch sẽ hơn. Đây là một trong những khu nhà ở lâu đời nhất của Singapore (được xây dựng từ những năm 30 thế kỷ trước), từng là nơi ở của tầng lớp thượng lưu hồi trước thế chiến thứ 2. Trong khoảng thập niên 1970-1980, người dân nơi đây đã lần lượt chuyển đến những căn hộ hiện đại hơn. Chính phủ Singapore vẫn duy trì hiện trạng của công trình, trong khi người dân vẫn tiếp tục sinh sống trong đó, để giữ lại hình ảnh của quá khứ. Khu chung cư nằm gần trung tâm, nên giá mỗi căn hộ ở đây rất đắt: gần 1 triệu đô Sing (khoảng 16 tỉ đồng). Một số căn hộ tầng trệt được cải tạo thành tiệm bánh, quán cà phê… xinh xắn -  chỗ nghỉ chân tĩnh lặng, ấm cúng cho những du khách ưa lang thang.

Bước vào chợ Tiong Bahru, tôi lấy làm lạ khi khắp nơi chỉ thấy toàn ông già bà cả, cả người bán lẫn người mua. Những gian hàng nho nhỏ bán rau, hoa, thực phẩm, đồ ăn san sát nhau, người mua len lỏi trong những lối đi hẹp, trả tiền mặt trực tiếp cho người bán, y như một chợ ở Sài Gòn. Thì ra ngôi chợ mới khánh thành năm 2006 này cũng được Singapore xếp vào diện là nơi “bảo tồn” tập quán mua sắm truyền thống, và điều này rất hợp ý những người lớn tuổi ở Sing - bộ phận dân chúng không thích “đi chợ” trong những siêu thị hiện đại như giới trẻ.

 Khu nhà ở Tiong Bahru đang được bảo tồn
Khu nhà ở Tiong Bahru đang được bảo tồn - Ảnh: P.T.N

Bảo tồn một cách tự nhiên, để “di sản” vẫn có cuộc sống hài hòa với nhịp sống hiện đại - có thế thấy những nỗ lực của người Sing trong công việc đầy khó khăn này. Tiệm sách Book

Actually tọa lạc ở số 9 đường Yong Siak cũng là một cố gắng như thế. Một tiệm sách nhỏ xinh, có đủ sách xuất bản ở Singapore lẫn nước ngoài, được duy trì hoạt động - dù Singapore không thiếu những nhà sách mênh mông trong các khu mua sắm - nhằm giữ lại hình ảnh một tiệm sách truyền thống. Phố Ả Rập với những cửa tiệm bán vải vóc, lụa là, thảm len…, nơi du khách có thể tìm được những món quà lạ, là nơi thương nhân Ả Rập ngày xưa từng buôn bán. Rồi ngoài khu phố Tàu đang được bảo tồn mà ai cũng biết, hay những đồ vật, hình ảnh đang được trưng bày đầy ấn tượng trong Bảo tàng quốc gia Singapore hiện đại, tôi cũng đã xem một bảo tàng nhỏ xíu ngay chân cáp treo đi sang đảo

Sentosa, trưng bày những mẫu lồng cáp treo từng được đưa vào sử dụng trong gần 30 năm qua... Có cảm giác đảo quốc non trẻ này, trong quá trình hiện đại hóa cực nhanh, đang tìm cách gìn giữ những mảnh quá khứ mang dấu ấn văn hóa riêng cho chính người dân nước họ, dù rằng các “mảnh” ấy chưa hẳn đã gây ấn tượng mạnh cho du khách đến từ các quốc gia có bề dày lịch sử cả ngàn năm.

Những điểm đến mới

Song song với việc bảo tồn di sản, Singapore tiếp tục khiến du khách choáng ngợp với những công trình kiến trúc, giải trí hoành tráng.

Đoàn chúng tôi nằm trong số những du khách đầu tiên tham quan Marine Life Park - thủy cung lớn nhất thế giới - trên đảo Sentosa ngay dịp khánh thành (có vẻ như đất nước nhỏ bé này rất khoái những công trình “nhất thế giới”). Sự kỳ ảo, sống động của thủy cung khiến du khách không khỏi ngất ngây, và những nhân viên làm nhiệm vụ vệ sinh các bể kính khổng lồ trong bộ đồ người nhái đã tạo nên một kết thúc đẹp cho hành trình qua thế giới nước.

 Triển lãm The art of the brick
Triển lãm The art of the brick - Ảnh: P.T.N

Khai trương khu vực vườn phía Nam hồi giữa năm nay, Những khu vườn bên vịnh (Gardens by the bay) ở ngay khu trung tâm Singapore, là một phần trong kế hoạch biến

Singapore từ “thành phố của những khu vườn” thành “thành phố trong vườn” của chính phủ. Hiện tại công trình gồm 2 nhà kính khổng lồ có hình mái vòm, bên trong là vô số loài kỳ hoa dị thảo trên khắp thế giới. Kiến trúc cực kỳ hiện đại này được coi là biểu tượng mới của quốc gia, được chọn ra từ những mẫu thiết kế của nhiều kiến trúc sư tài ba trên thế giới. Có người cắc cớ hỏi: Sao mấy năm trước qua đây tui thấy các tòa nhà đã chen nhau chật cứng ở khu đất kim cương này, vậy đất đâu ra mà xây cái công trình rộng tới 101 hecta này? Câu trả lời là: Công trình đã nằm trong quy hoạch của chính phủ từ trước.

Gần đó là Marina Bay Sands, tổ hợp khách sạn - khu mua sắm - khu vui chơi giải trí cực kỳ sang trọng. Hôm chúng tôi đến, tại Bảo tàng Nghệ thuật trong khu phức hợp này đang diễn ra triển lãm nghệ thuật đương đại The art of the brick của nghệ sĩ Nathan Sawaya đến từ New York, với những tác phẩm được xếp từ hàng ngàn mảnh đồ chơi lego. Phía ngoài khu trưng bày, rất nhiều du khách sau khi xem triển lãm nổi hứng ngồi lúi húi xếp xếp ghép ghép các mảnh lego tạo thành tác phẩm riêng của mình. Tại đây chúng tôi cũng đã có dịp xem Jersey boys, vở nhạc kịch nổi tiếng của sân khấu Broadway từng thắng giải Tony cho “nhạc kịch hay nhất” vào năm 2006 mà Singapore là điểm đến châu Á đầu tiên của vở. Jersey boys sẽ diễn tại Singapore đến giữa tháng 1.2013. Du khách thích náo nhiệt hơn có thể sang đảo Sentosa xem IncantoTM, show ảo thuật - ca múa - xiếc hoành tráng mới khai trương hồi tháng 11 vừa rồi với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ Singapore và nước ngoài. Cũng trên đảo Sentosa, chúng tôi hòa mình vào ZoukOut, một festival âm nhạc - nhảy múa ngoài trời sôi động thu hút rất đông thanh niên. Với hàng loạt sự kiện diễn ra hằng tuần, ngành du lịch Singapore không giấu giếm kỳ vọng thu hút du khách bằng những chương trình nghệ thuật - giải trí chất lượng cao.

Thế còn mua sắm thì sao? Dĩ nhiên, những trung tâm mua sắm lớn đầy ắp thương hiệu nổi tiếng thế giới vẫn là thế mạnh của Singapore. Nhưng du khách ưa thích sự mới lạ, độc đáo bắt đầu tìm đến Haji Lane. Đây là con phố nhỏ nằm gần phố Ả Rập gồm những cửa hàng được thiết kế rất cá tính, bày bán những sản phẩm thời trang của các nhà thiết kế trẻ chưa nổi tiếng của Singapore. Con phố rất ngắn, nhưng duyên dáng và quyến rũ đến nỗi tôi chưa kịp mua gì đã thấy buổi trưa trôi vèo qua.  

Phạm Thu Nga

>> Người Singapore ít biểu lộ cảm xúc nhất?
>> Singapore tăng tiền phạt tội xả rác
>> Singapore tìm cách nâng chuẩn trường tư
>> Singapore cấm phim "Sex.Violence.FamilyValues
>> “Luật chanh” ở Singapore
>> Singapore bỏ lệnh cấm điện thoại camera trong quân đội
>> Singapore xây địa đạo chứa cáp điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.