Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/06/2020 12:17 GMT+7

Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú cho biết, lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào "là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được" và cần tiếp tục nghiên cứu.

Sáng 10.6, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội nghị báo cáo viên T.Ư, nghe Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú báo cáo về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Không có Đảng mạnh mà nhà nước yếu 

Nói về những điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII, trung tâm là báo cáo chính trị, GS Phùng Hữu Phú cho biết, văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới, từ cách tiếp cận, tầm bao quát, chủ đề đại hội, các nội dung dự báo, cho tới mục tiêu phát triển đất nước…
Tuy nhiên, ông Phú nhấn mạnh, đổi mới không có nghĩa là bỏ qua cái cũ mà là kế thừa và phát triển. “Cái gì còn tốt thì giữ lấy, cái gì chưa hoàn thiện thì bổ sung, cái gì chưa có mà giờ cần thiết thì thêm vào đó là đổi mới, chứ không phải đổi mới là phủ nhận sạch trơn”, ông Phú nói.
Về chủ đề đại hội, theo ông Phú, một trong những điểm mới lần này là bổ sung “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng.
“Sự nghiệp này Đảng là linh hồn, nhưng sức mạnh để đất nước phát triển phải là sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không chỉnh đốn nhà nước thì không được. Không có Đảng mạnh mà nhà nước yếu, cũng không có nhà nước mạnh mà Đảng không mạnh được”, ông Phú phân tích và cho biết đây là lý do văn kiện lần này cùng xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra yêu cầu xây dựng chỉnh đốn nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội.

Giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa

Một điểm mới khác trong chủ đề đại hội mà văn kiện Đại hội XIII đưa ra, ông Phú cho hay, là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Phú giải thích, đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn lần này mục tiêu là nước phát triển. “Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một”, ông Phú nói.
Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo văn kiện, có người phản biện nếu là nước phát triển thì trình độ phát triển rất cao, lúc đó ta không còn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” nữa mà thực chất đã bước vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa.
“Đây là phản biện sắc sảo, liên quan tới vấn đề lâu nay rất vướng và cũng chưa làm được. Đó là lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào? Trước đây ta dùng khái niệm "bước đi bước đầu", "chặng đường đầu", "giai đoạn đầu". Có lần nào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ”, ông Phú nói và cho biết, đây là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới.

Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông

Một điểm mới khác, theo ông Phú, là dự báo các vấn đề lớn trong giai đoạn tới. Trong đó, vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn.
“Sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy, phải ứng phó thế nào?”, ông Phú nêu quan điểm.
Từ đó, ông Phú cho rằng, Biển Đông không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là vấn đề lâu dài. “Bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh là bài toán hóc búa, thử thách nghiêm trọng của thế hệ chúng ta và cả con em chúng ta”, ông Phú nói.
Ông Phú nhấn mạnh, dự báo tình hình trong văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới và phải tiếp tục được làm rõ để toàn Đảng, toàn dân thấy hết được thời cơ đang rất lớn ở phía trước nhưng khó khăn, thử thách cũng ngày càng gay gắt hơn.
“Đại hội lần này và những năm sắp tới có vấn đề rất lớn về mặt tư duy, định hướng phát triển. Đó là làm sao chớp được thời cơ, khắc phục nguy cơ và cao hơn là chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ. Không làm được cái này thì không đột phá được”, GS Phú phân tích.

Giữ vững nền tảng tư tưởng có ý nghĩa sống còn

Một trong những điểm mới nữa, theo ông Phú, là báo cáo chính trị tại Đại hội XIII sẽ có thêm phần “quan điểm chỉ đạo” do đặc thù về tầm bao quát, độ sâu và dài của Đại hội lần này.
Trong đó, quan điểm được nhấn mạnh là khẳng định tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của việc giữ vững nền tảng tư tưởng và mục tiêu phát triển. Theo ông Phú, đây là vấn đề phức tạp vì hiện nay thậm chí đã có ý kiến đề nghị bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội vì “đã lạc hậu lắm rồi”.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, nguồn cơn của quá trình sụp đổ là sự chuệch choạc, dao động trong tư tưởng, mà dao động trong tư tưởng thì sẽ dao động trong lãnh đạo.
“Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông Phú giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.