Quản chặt thì tắc, phân quyền thì sợ lạm dụng

Vũ Hân
Vũ Hân
22/11/2018 08:13 GMT+7

Đó là mâu thuẫn trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước được Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Trần Mạnh Hùng đặt ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước diễn ra sáng 21.11.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dựa vào hệ số tín nhiệm để phân quyền
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 206.720 tỉ đồng, trong đó năm 2016 đạt 30.000 tỉ đồng, năm 2017 đạt 144.577 tỉ đồng và 11 tháng năm nay đạt 32.143 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang nắm giữ số tài sản hơn 3 triệu tỉ đồng, chiếm hơn một nửa tổng GDP của VN (hiện hơn 5 triệu tỉ đồng).
Bên cạnh những ưu điểm, Bộ Tài chính vẫn điểm ra các căn bệnh thâm căn cố đế là hiệu quả thấp, chưa tương xứng với nguồn lực; chậm đổi mới; chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng và việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo DNNN cố tình trì hoãn tái cơ cấu, cổ phần hóa vì sợ mất quyền lực, mất ghế. Điều này được Chủ tịch HĐQT VNPT Trần Mạnh Hùng thừa nhận, ngay trong lãnh đạo VNPT cũng có ý kiến chỉ tái cơ cấu một nửa, chứ không làm hết mặc dù thực tế chứng minh sau 5 năm tái cơ cấu (từ 2014 đến nay), lợi nhuận của DN này tăng trưởng đều 20%/năm.
Trăn trở về vấn đề làm sao để khuyến khích lãnh đạo DNNN dám nghĩ, dám làm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo như yêu cầu của Chính phủ, ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, hiện môi trường pháp lý cho hoạt động của DNNN còn rất nhiều rủi ro. “Chúng ta đang bị mâu thuẫn giữa tập trung quản lý và phân cấp. Nếu phân cấp mạnh thì có rủi ro về lạm dụng quyền lực, thất thoát; nhưng nếu tập trung hóa cao độ, cái gì cũng duyệt thì tắc nghẽn. Chúng ta vướng phải nghịch lý là muốn DN tự chủ, nhưng sở hữu tập thể thì làm sao để tự chủ là cả vấn đề”, ông Hùng phân tích, và đề nghị nên dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi của lãnh đạo DN hơn là dùng mệnh lệnh hành chính.
Theo ông Hùng, chúng ta nên áp dụng hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm (credit score), giống như các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng. Dựa vào đó, biết được mức độ tin cậy: DN này càng hoạt động tốt, lợi nhuận lớn thì phân cấp càng mạnh; DN này kém hiệu quả, nợ nần nhiều thì đưa vào kiểm soát rủi ro. Ông cũng đề xuất không nên dùng từ “quản lý” vì dễ gây ngộ nhận là quản lý tất, mà nên dùng từ “giám sát” với hàm ý quan trọng nhất là phòng ngừa rủi ro.
Một số lãnh đạo DNNN cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét trách nhiệm trong cả quá trình điều hành, bởi quá trình sản xuất, kinh doanh có dự án thành công, dự án thất bại, nếu xé lẻ ra thì không lãnh đạo DNNN nào tránh nổi vòng lao lý, ngoại trừ không làm gì.
Phi cán bộ giỏi bất thành công
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cũng cho rằng chúng ta đang có những cơ chế gò bó DN và không khuyến khích cũng như thúc ép các DNNN hoạt động theo thị trường, tiêu biểu là thiếu vắng những lãnh đạo DN chuyên nghiệp, đủ tầm để dẫn dắt và thiếu một cơ chế lương để thu hút người tài.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, cho biết Bộ nhận được rất nhiều kiến nghị của tập đoàn, địa phương về vấn đề lương, tăng tự chủ; lương gắn với hiệu quả quản lý, sử dụng vốn; lương gắn với năng suất; không khống chế mức lương tối đa của người quản lý phần vốn góp của nhà nước... Có những ý kiến cho rằng lương lãnh đạo quá thấp nên không rõ vai trò người đứng đầu; nhưng cũng có địa phương kiến nghị xem lại việc lương lãnh đạo và người lao động chênh nhau quá lớn, từ 10 - 20 lần... cho thấy sự mâu thuẫn về nhìn nhận. Theo ông Diệp, Chính phủ đang hoàn thiện đề án cải cách tiền lương theo tinh thần giao cho DN xây dựng thang bảng lương; còn nhà nước khoán tiền lương của người lao động và ban giám đốc gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Nhấn mạnh “phi cán bộ giỏi bất thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết việc Chính phủ sẽ “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”. Gọi các lãnh đạo DNNN là “các ông lớn, bà lớn của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò điều hành, vai trò của con người trong dẫn dắt các DNNN làm tốt vai trò “cầm trịch” nền kinh tế. Bên cạnh cảnh báo lãnh đạo DNNN phải làm tốt nhiệm vụ, không tham nhũng, tư lợi “sân trước, sân sau” vì “cơ quan có thẩm quyền biết hết”, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thanh tra, kiểm toán... các DNNN không phải nhằm vào khởi tố, điều tra, mà là một hồi chuông cảnh tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.