Nghị quyết Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua hôm 17.11 tại kỳ họp 10.
Nghị quyết gồm 8 điều, quy định từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, chế độ, trách nhiệm của bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an, quyền nghĩa vụ của các doanh nghiệp quân đội, công an cũng như việc xử lý đối với các dự án hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện từ trước khi có nghị quyết.
Phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm
Theo đó, nghị quyết quy định, về nguyên tắc, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị quyết nêu rõ, không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.
Nghị quyết cũng quy định, dơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
Nghị quyết của Quốc hội quy định, nếu sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm.
Các trường hợp còn lại phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Tiền này phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và phải lập dự toán thu, chi theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.
Không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh
Nghị quyết cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng, Công an trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, đối với khu đất có giá trị từ 500 tỉ đồng trở lên không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng quy định, các đơn vị, doanh nghiệp của quân đội, công an được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và nộp tiền sử dụng đất hàng năm theo quy định.
Tuy nhiên, nghị quyết nêu rõ, các đơn vị, doanh nghiệp không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Chấm dứt dự án liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả
Nghị quyết của Quốc hội cũng dành 1 điều riêng quy định về việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Cụ thể, nghị quyết yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý.
Theo đó, đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết; đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm.
Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết.
Không cần cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì giao lại cho địa phương
Nghị quyết cũng quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, đối với vị trí, diện tích đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì đưa ra khỏi quy hoạch đất quốc phòng, an ninh và chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng.
Đối với vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt.
Đối với hợp đồng sử dụng đất, thuê đất quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ký với doanh nghiệp quân đội, công an đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành mà diện tích đất phải dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1.2.2021 và hết hiệu lực khi luật Đất đai 2013 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Bình luận (0)