Quân khuyển biên phòng: Kiếm tìm trong đổ nát

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
19/11/2020 07:00 GMT+7

Ít ai biết, chuyên ngành huấn luyện quân khuyển biên phòng tìm kiếm cứu nạn được bắt đầu từ thao trường xây bằng những... viên gạch vỡ.

Những năm gần đây, sự hiện diện của chó nghiệp vụ biên phòng tìm kiếm cứu nạn ở hiện trường các vụ sạt lở đã quen thuộc với người dân cả nước. Ít ai biết, chuyên ngành huấn luyện tìm kiếm cứu nạn được bắt đầu từ thao trường xây bằng những... viên gạch vỡ.

Sâu 15 m cũng phát hiện

Đại tá Trần Quang Phê, Hiệu trưởng Trường trung cấp 24 biên phòng (Trường 24), cho biết: Từ đầu những năm 2000, trường đã chú ý lựa chọn những chó có khứu giác tốt để tập trung huấn luyện chuyên ngành giám biệt nguồn hơi. Đầu năm 2005, đội huấn luyện thực nghiệm chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ra đời. Thế nhưng muốn chó tìm kiếm hiệu quả, phải có thao trường huấn luyện. Kinh phí xây dựng không có, cán bộ, chiến sĩ tìm nhặt gạch ngói vỡ, tự xây dựng những mô hình rất thô sơ, đơn giản như: Đào hố trong lòng đất giả định sạt lở đất đá; tận dụng nhà cũ, đống vật liệu xây dựng, để giả định sạt lở công trình...
Từ năm 2006, đội huấn luyện thực nghiệm được củng cố. Không chỉ tập trung huấn luyện, đội còn trực tiếp tham gia công tác TKCN để rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng làm việc cho HLV và chó nghiệp vụ. Đến năm 2010, Trường 24 đã biên chế, tổ chức một đội chó TKCN (gồm 6 HLV và 6 chó nghiệp vụ) có khả năng làm việc trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ.
“Dấu ấn đầu tiên của chó nghiệp vụ biên phòng trong TKCN là vụ sạt lở tại thủy điện Bản Vẽ, H.Tương Dương, Nghệ An”, đại tá Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó hiệu trưởng Trường 24, khẳng định vậy và nhớ lại: Vụ việc xảy ra sáng 15.12.2007, vùi lấp 18 kỹ sư, công nhân. Đêm 17.12.2007, phân đội TKCN của trường gồm 4 cán bộ, HLV và 2 chó nghiệp vụ Pô Man, An Tốp, nhận lệnh vào Bản Vẽ làm nhiệm vụ. Trưa 18.12 tới hiện trường, phân đội lập tức sử dụng chó tìm kiếm, xác định được 7 vị trí có nguồn hơi nạn nhân. Sau 4 ngày đào bới theo nguồn hơi, lực lượng TKCN tìm thấy thi thể công nhân Dương Cao Sơn ở độ sâu 13 m.
Tại vị trí số 4, chó nghiệp vụ xác định chính xác vị trí của 8 thi thể nằm dưới độ sâu từ 5 - 15 m. “Ở vị trí số 6, công nhân đào bới liên tục 1 ngày đêm, xuống độ sâu khoảng 7 m không thấy kết quả nên định lấp đất, đi tìm chỗ khác. Tôi cho chó kiểm tra lại, khẳng định phía dưới có nạn nhân và yêu cầu đào tiếp. Thêm được 2 m thì phát hiện thi thể công nhân Hoàng Anh Vũ”, đại tá Chiến nói và trầm giọng: “Vụ này, chó biên phòng tìm được 13 thi thể, giảm bớt nỗi đau cho người thân nạn nhân”.
Từ sau vụ Bản Vẽ, chó nghiệp vụ của Trường 24 được liên tục huy động làm nhiệm vụ TKCN ở các địa bàn miền núi vùng sâu xa: Trịnh Tường (H.Bát Xát, Lào Cai) giữa tháng 8.2008; Pa Tý (xã Yên Tĩnh, H.Tương Dương, Nghệ An) cuối tháng 5, đầu tháng 6.2009; thôn Khên Lền (xã Công Bằng, H.Pắc Nậm, Bắc Kạn) từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8.2009; xã Chế Cu Nha (H.Mù Cang Chải, Yên Bái) từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.2010; mỏ đá xã Nam Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) đầu tháng 4.2011.

Chó nghiệp vụ biên phòng và HLV tìm kiếm thi thể nạn nhân tại hiện trường thủy điện Bản Vẽ (H.Tương Dương, Nghệ An) năm 2008

ẢNH: TƯ LIỆU

Trong vụ tìm kiếm 2 người dân bị sạt lở núi ngày 16.2.2012 tại Km 138 + 750, QL6 (xã Đồng Bảng, H.Mai Châu, Hòa Bình), 2 chó Pô Man và An Tốp do HLV Hoàng Trọng Khải và Nguyễn Văn Hưởng điều khiển đã làm việc liên tục ở hiện trường sạt lở có nhiều tảng đá to, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào và xác định chính xác nạn nhân bị vùi lấp.
Rạng sáng 15.4.2012, tại xã Phục Linh (H.Đại Từ, Thái Nguyên) xảy ra sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ, vùi lấp 5 người dân. Trường 24 đưa 2 chó nghiệp vụ Pô Man và An Tốp đi làm nhiệm vụ. Sau 6 ngày tìm kiếm, sáng 23.4.2012, chó Pô Man (do HLV Hoàng Trọng Khải điều khiển) xác định được vị trí thứ nhất. Đưa chó An Tốp (do HLV Nguyễn Văn Hưởng điều khiển) vào kiểm tra lại, cũng xác định như chó Pô Man. Chiều 23.4.2012, khi đào đến độ sâu khoảng 9 - 10 m ở vị trí chó xác định, đã tìm thấy 3 thi thể. Sáng 24.4.2012, đào bới theo xác định của chó, phát hiện thêm 2 thi thể nạn nhân...
Ngày 4.6.2016, anh Aiden Shaw Webb (quốc tịch Anh) mất tích khi leo núi Fansipan (H.Sa Pa, Lào Cai). Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phân đội TKCN của Trường 24 gồm 6 cán bộ, HLV và 2 chó nghiệp vụ, ngay lập tức có mặt tại hiện trường chia làm
2 mũi tham gia TKCN. Ngày 8.6.2016, mũi của thiếu tá Hoàng Ngọc Sáng đã phát hiện dấu chân của nạn nhân, giúp các lực lượng tìm kiếm được thi thể nạn nhân.
Quân khuyển biên phòng: Kiếm tìm trong đổ nát

HLV Trường 24 điều khiển chó nghiệp vụ tìm kiếm người mất tích tại hiện trường vụ sạt lở núi Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam)

ẢNH: MAI THANH HẢI

Từ Rào Trăng 3 đến Đoàn 337

Đêm 12.10.2020, vụ sạt lở đất tại tiểu khu 67 đã khiến 13 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 và cán bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp nạn, khi trên đường vào tìm kiếm cứu nạn 17 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Chỉ sau 1 giờ nhận mệnh lệnh, phân đội TKCN của Trường 24 gồm 7 cán bộ, HLV và 3 chó nghiệp vụ tinh nhuệ đã xuất phát. Ngay sau khi đến hiện trường, các chó nghiệp vụ đã sục sạo các vị trí nghi vấn và sau 30 phút tìm kiếm, chó Pốc Ca (do HLV Nguyễn Văn Hưởng điều khiển) đã xác định được nguồn hơi. Mở rộng phạm vi đến vị trí chó nghiệp vụ xác định cách 1,5 m, tìm thêm được 6 thi thể...
Rạng sáng 18.10, lở núi lại đổ xuống doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337, Quân khu 4 (đóng tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ) đang làm nhiệm vụ ứng trực phòng chống lụt bão. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ban Giám hiệu Trường 24 đã lệnh Cụm chiến đấu 4 (đóng quân tại xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị) cấp tốc lên đường làm nhiệm vụ. Quá trình hành quân, phân đội gặp nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi mưa lũ, nhiều đoạn đường vẫn còn nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn, cả HLV và chó nghiệp vụ đều phải ngồi vào gầu máy múc mới có thể đến được hiện trường. Ngay khi tới hiện trường, phân đội đã điều khiển chó nghiệp vụ tìm kiếm tại tất cả vị trí nghi vấn. Lúc 7 giờ 20 ngày 19.10, chó nghiệp vụ Kô Man (do trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đức Vượng điều khiển) liên tục sủa vang, cào bới tại vị trí có nguồn hơi. Thời điểm này, 2 chó nghiệp vụ Tô Sen (do trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Đàm Ngọc Vinh) điều khiển và chó Kô Sa (trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Lại Thế Trọng điều khiển) đã xác định thêm 2 vị trí có nguồn hơi khác. Ngay sau khi chó nghiệp vụ xác định được vị trí nghi vấn ban đầu, HLV cắm cờ làm vật chuẩn, đồng thời báo cáo Sở chỉ huy tiền phương để đưa lực lượng, phương tiện vào đào bới, tìm kiếm, đưa thi thể 5 nạn nhân cuối cùng ra khỏi hiện trường.

Thầm lặng và khiêm nhường

Khi tôi viết những dòng này, phân đội của Cụm chiến đấu 4 đã kết thúc nhiệm vụ TKCN tại hiện trường vụ sạt lở đất thôn 1, xã Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) về thường trực chiến đấu tại vùng biên giới Đăkrông (Quảng Trị). Tuy nhiên, đội TKCN của nhà trường do thượng tá Phạm Trung Kiên (Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi) chỉ huy, vẫn bám trụ hiện trường Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm 12 công nhân còn lại vẫn đang bị vùi lấp.
Hôm chia tay, cả thượng tá Kiên và trung tá Trần Hiệp Sĩ (Cụm trưởng Cụm chiến đấu 4) đều bảo: “Nhà báo đi với anh em, thấy vất vả rồi đấy. Nhưng chúng tôi chẳng là gì so với các thế hệ trước và với cả những đồng nghiệp, đồng đội vừa dạy vừa phục vụ cả học viên lẫn chó nghiệp vụ ngoài trường”. Những người lính - người thầy ấy bình dị khiêm nhường, giống như ngôi trường 61 năm đào tạo hàng vạn “chiến binh đặc biệt”, nhưng vẫn thầm lặng náu mình dưới những tán cây xanh ngắt, ven hồ Suối Hai xa lắc xa lơ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.