Quân khuyển biên phòng: Truy lùng biệt kích, canh gác trại giam

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
17/11/2020 05:46 GMT+7

Từ những năm 60 thế kỷ 20, chó nghiệp vụ biên phòng đã phát hiện, truy bắt rất nhiều biệt kích, thám báo của chế độ VNCH được tung ra, phá hoại miền Bắc XHCN. Bên cạnh đó, các HLV và chó nghiệp vụ được đào tạo từ Trường 24 đã bảo vệ rất nhiều mục tiêu quan trọng.

“Chạy đâu cho thoát”

Trong tài liệu lưu trữ của Công an Nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn (nay là Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lạng Sơn) ghi chú rất rành mạch về hoạt động của phân đội 4 chó nghiệp vụ trong năm 1964 - 1965. Cụ thể: Chó nghiệp vụ mang tên Điện Biên, bắt được 1 phi công Mỹ, 4 lần bắt được đối tượng buôn lậu vượt biên, 1 lần bắt được kẻ trộm kho thóc; chó Đầm Long, năm 1964 làm nhiệm vụ 4 lần, bắt được đối tượng vượt biên, thủ phạm trộm thóc và 2 lần truy lùng biệt kích đúng hướng; chó Lương Yên, 2 lần truy lùng biệt kích đúng hướng, 2 lần bắt được phạm nhân trốn trại, 1 lần phá án bắt được kẻ cắp cửa hàng mậu dịch...

...Tính kiên trì, nhẫn nại trong huấn luyện chó nghiệp vụ là điều kiện tiên quyết với các HLV. Đã có rất nhiều tấm gương về huấn luyện như: Năm 1963, HLV Hoàng Văn Phầu thấy ai cũng từ chối 1 chú chó bé yếu, nên đã nhận và tận tụy nuôi dưỡng, rèn luyện thành chó tốt, truy bắt nhiều biệt kích, tội phạm hình sự; HLV Trần Quang Nhương, học khóa 5 (1964) nhận 1 chó nhát, thấy người và súc vật đều sợ hãi. Mỗi ngày, anh Nhương đều bế chó ra khỏi chuồng, cho làm quen với mọi thứ. Sau vài tháng, chó đã dạn dĩ và được huấn luyện thành chó chiến đấu hiệu quả, đã truy bắt được 3 biệt kích... 

Đại tá Trần Ngọc Thanh (Chính ủy Trường trung cấp 24 biên phòng)

Ông Võ Hữu Duyệt, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Ty Công an Hà Tĩnh, kể: Ở tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1962 - 1969, chó nghiệp vụ đã tham gia 10/11 trận chiến đấu chống gián điệp, biệt kích đổ bộ bằng đường không và thuyền gắn máy kết hợp người nhái, bắt được 14 tên. Đơn cử như trận ở xã Cẩm Hưng (H.Cẩm Xuyên), chó nghiệp vụ và HLV Lê Văn Giai ngay sau khi có mặt tại hiện trường đã bắt 4 tên, sau 2 ngày bắt thêm 2 tên biệt kích; vụ Núng (ở Hương Khê), HLV Lê Văn Giai và chó nghiệp vụ, sau 3 giờ đến hiện trường đã bắt gọn tên Phú là biệt kích người bản địa; HLV Nguyễn Xuân Hương (Hà Tĩnh) sử dụng chó chiến đấu bắt 8 biệt kích và
4 phạm nhân trốn khỏi trại giam. Trong 1 lần truy bắt biệt kích đường dài liên tục 2 ngày đêm, thấy chó quá mệt và đói, anh Hương đã xuống suối mò bắt cá, nướng cho chó ăn để có sức tiếp tục truy lùng theo kịp và cùng bộ binh bắt gọn 3 biệt kích.
Trong vụ bắt biệt kích tại đồn 99 (Hương Khê, Hà Tĩnh) cuối 1965, sau 9 ngày biệt kích đổ quân, HLV Nguyễn Xuân Hương và chó mới lên đến nơi. Sau 7 ngày đêm truy đuổi, chó đã bắt được 2 tên biệt kích và sau đó bị địch bắn, hy sinh...
“Trong các lần truy tìm, 2 lần chó bị địch bắn chết, 1 lần chó bị kiệt sức chết giữa lúc truy lùng. Nguyên nhân là thời gian truy đuổi kéo dài, phạm vi rộng, chó mệt mỏi và biệt kích thám báo ngoan cố liều lĩnh”, ông Duyệt cho biết.
“Trong sử dụng chó chiến đấu từ 1959 - 1969, nổi bật nhất là truy lùng gián điệp biệt kích. Các HLV điều khiển chó nghiệp vụ phối hợp với bộ binh, trực tiếp truy lùng phát hiện và bắt được 60 tên gián điệp, biệt kích”, thiếu tá Lê Xuân Toản, nguyên HLV Trường 24, đúc rút và liệt kê: Trong 8 tỉnh sử dụng chó bắt gián điệp, biệt kích, có 3 tỉnh bắt được nhiều nhất là Hà Tĩnh (17 tên), Sơn La (17 tên), Nghệ An (9 tên). Một số HLV và chó chiến đấu có hiệu quả cao như: HLV Hoàng Văn Phầu (Sơn La) 5 lần sử dụng chó truy bắt biệt kích, phạm nhân trốn trại. Có vụ truy theo dấu vết suốt 15 tiếng ở vùng rừng núi mới bắt được 1 biệt kích, sau đó cùng bộ binh lùng sục bắt thêm 4 tên khác; HLV Lưu Xuân Sách (Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 600 Công an Nhân dân vũ trang) và chó nghiệp vụ truy vết nhanh trên 10 km ở khu vực rừng già ban đêm, khiến bộ binh không theo kịp. Phát hiện thấy chó nghiệp vụ, toán biệt kích nổ súng bắn trả. HLV Lưu Xuân Sách đã dũng cảm, độc lập chiến đấu mưu trí lừa địch, bắn uy hiếp tiếp cận và cùng chó xung phong, dùng võ thuật bắt sống 1 tên giao cho bộ binh, sau đó truy bắt được tên biệt kích thứ 2; HLV Phan Biên (Nghệ An) và chó nghiệp vụ truy vết liên tục 18 tiếng trong rừng núi, bắt gọn 3 biệt kích. Quyết tâm tiêu diệt địch, chó nghiệp vụ đã truy đuổi kịp thời, bức hàng 4 tên khác...
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, 2 HLV của Trường trung cấp 24 biên phòng là Ngô Quang Khanh và Nông Văn Hoạt đã cùng chó nghiệp vụ dũng cảm chiến đấu đến cùng trong khi vây bắt biệt kích, thám báo VNCH và cả 2 sĩ quan biên phòng đã anh dũng hy sinh.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Chiềng Khương (Sơn La) và chó nghiệp vụ phục kích, bắt sống biệt kích thám báo VNCH vào ngày 25.8.1971

ẢNH: TƯ LIỆU

Chó biên phòng là ưu tiên tuyệt đối

“Những năm chiến tranh, việc đi qua phà khó như... lên giời. Thế nhưng, cứ thấy xe chở chó nghiệp vụ và bóng dáng Công an Nhân dân vũ trang là mọi cầu phà đều ưu tiên tuyệt đối”, thiếu tá Lê Xuân Toản, nguyên HLV Trường trung cấp 24 biên phòng nhớ lại vậy và kể: Chó biên phòng không chỉ giỏi bắt biệt kích, thám báo mà còn bắt phạm nhân trốn trại rất hiệu quả. Trong 5 năm (1964 - 1969), 70 phạm nhân bị bắt lại bởi chó nghiệp vụ. So với tổng số phạm nhân trốn trại do Công an Nhân dân vũ trang và cảnh sát bắt lại trong 5 năm, chó chiến đấu truy bắt lại được 22%.
Những cựu binh Trường 24 khi gặp nhau vẫn nhắc chuyện: HLV Lô Chi Lăng (Lạng Sơn) đưa chó đi phục kích bắt phạm nhân trốn trại từ tối đến đêm mà không có kết quả. Người và chó vừa về đến doanh trại, chưa kịp nghỉ thì nhận tin phát hiện dấu vết ở địa điểm khác. Ngay lập tức, người và chó chạy bộ
11 km cùng bộ binh truy vết, mãi đến sáng mới bắt được phạm nhân. Rồi ở trại giam Phủ Lý (Hà Nam), HLV Trần Đăng Khoa và chó nghiệp vụ mới ra trường, về đơn vị chưa đầy 1 tuần, nhưng đã truy bắt thành công 2 vụ phạm nhân trốn trại. Trong số phạm nhân bỏ trốn, có đối tượng đã đi lính cho chế độ cũ, biết về chó nghiệp vụ nên dùng nhiều cách chống chó, nhưng vẫn bị tóm gọn...
Đại tá Đỗ Xuân Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp 24, kể: Tiêu biểu nhất phải kể đến tổ chó chiến đấu của Công an Nhân dân vũ trang Lai Châu (3 HLV sử dụng 2 chó chiến đấu) thay nhau truy vết phạm nhân trốn trại trên biên giới. Sau 10 ngày liên tục truy đuổi, đã bắt lại được 4 tên (có 1 tên phỉ đầu sỏ, định vượt biên sang Trung Quốc).
Trong chiến tranh phá hoại, một số đơn vị sử dụng chó chiến đấu tham gia 6 vụ bắt 4 phi công Mỹ nhảy dù, truy ra 2 xác máy bay bị bắn hạ. Đặc biệt trong 2 cuộc truy lùng ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, phi công Mỹ ẩn náu rất kỹ nhưng vẫn bị chó phát hiện.

Tiếp quản Sài Gòn

Ngay sau 30.4.1975, thượng úy Lê Xuân Toản đang là trợ lý huấn luyện của Trường trung cấp 24, nhận lệnh đưa 5 cán bộ, chiến sĩ của trường vào tiếp quản Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ của quân lực VNCH ở ngã năm Gò Vấp, Sài Gòn. “Cũng là chó nghiệp vụ nhưng người nuôi khác với người sử dụng, nên con chó không có chủ, phát huy rất kém”, ông Toản nhớ lại và cười nói: “Cuối tháng 6.1975, chúng tôi tổ chức thành lập trường huấn luyện chó thứ 2 mang phiên hiệu 276, trực thuộc Cục Tham mưu Công an Nhân dân vũ trang. Anh em lại lặn lội đi khắp miền Nam thu mua chó béc giê để tuyển chọn chăn nuôi thí điểm. Mãi đến cuối năm 1984, Trường 24 ngoài Ba Vì mới tăng cường thêm 7 chó giống Liên Xô. Dẫu vậy, từ 1975 - 1986, Trường 276 cũng đã đào tạo được 7 khóa HLV chó nghiệp vụ biên phòng và tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (bảo vệ sân bay Pochentong, Phnom Penh), bảo vệ các mục tiêu, truy bắt nhiều đối tượng Fulro ở Tây nguyên...”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.