Quận nào ở TP.HCM phải sáp nhập phường?

Trung Hiếu
Trung Hiếu
29/05/2019 06:18 GMT+7

Thông tin TP.HCM lên kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân, bởi khi sáp nhập sẽ gây ra những xáo trộn trong cuộc sống.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 28.5, ông Đỗ Văn Đạo (ảnh), Phó giám đốc Sở Nội vụ TP, cho biết việc sắp xếp, sáp nhập không phải đề án riêng của TP, mà là chủ trương chung. Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37 và tháng 3.2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 1211/2016. “Trên cơ sở chủ trương chung đó, ở giai đoạn 1 (2019 - 2021) các đơn vị hành chính ở TP gọi chung là huyện, xã không đạt 50% về tiêu chí diện tích và dân số theo quy định phải sáp nhập”, ông Đạo nói.

Lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng

Vậy TP có bao nhiêu quận huyện và phường xã không đạt hai tiêu chí kể trên?
TP.HCM hiện có 322 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện. Theo số liệu thống kê tạm thời báo về Sở Nội vụ thì ở TP có 16 phường không đạt 50% của cả hai tiêu chí nói trên và nằm trong diện phải sắp xếp, sáp nhập. Trong 16 phường, Q.2 có 4 phường; các quận: 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận mỗi quận có 2 phường; Q.6 và Q.8 mỗi quận có 1 phường.
Điều mà người dân quan tâm là việc sáp nhập này sẽ khiến cuộc sống bị ảnh hưởng như thay đổi địa chỉ, giấy tờ nhà và cá nhân, thủ tục hành chính... Vậy đề án có tính toán và có giải pháp để người dân ít bị ảnh hưởng nhất?
Cái khó khăn nhất của đề án là giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức liên quan đến đề án. Việc tâm tư của cán bộ, công chức nằm trong diện sắp xếp sẽ không tránh khỏi. Việc 2 phường sáp nhập thành 1 đương nhiên có những chức danh không còn. Ví dụ như 2 ông bí thư, chủ tịch giờ chỉ còn 1 thì phải tính toán bố trí sao cho phù hợp. Việc giải quyết những chế độ, chính sách sẽ theo quy định của T.Ư để làm sao đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp. Quy định cũng cho phép thời gian đầu các phường xã bị sáp nhập bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức cần thiết, sau đó từ từ mới giảm chứ không cắt giảm liền được.
Đối với người dân, việc sáp nhập sẽ gây nhiều xáo trộn khi phải thay đổi địa chỉ, giấy tờ, giao dịch... Tuy nhiên, TP cũng đặt yêu cầu là khi sắp xếp, sáp nhập phải làm sao để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Người dân liên hệ thủ tục hành chính phải được thông suốt, không được gián đoạn.
Đây không phải là lần đầu tiên TP thực hiện sáp nhập, tách đơn vị hành chính mà trước đó ít nhất đã 2 - 3 lần sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính. Theo tôi biết sau năm 1975, Q.7 và Q.8 sáp nhập thành Q.8, Q.1 với Q.2 sáp nhập thành Q.1, Q.9 sáp nhập với H.Thủ Đức thành H.Thủ Đức và sau này lại tách ra. Q.Bình Thạnh hiện tại là sáp nhập từ Q.Bình Hòa và Q.Thạnh Mỹ Tây ngày xưa... Q.1 và Q.2 trước khi sáp nhập có 23 phường đến giờ chỉ còn 10 phường. Q.Bình Thạnh trước khi sáp nhập có 28 phường giờ chỉ còn 20 phường. Như Q.3 ban đầu có 24 phường nhưng hiện còn 14 phường. Xáo trộn sau khi sáp nhập là điều không thể tránh khỏi nhưng khi cần mình cũng phải làm để đạt được mục tiêu tốt hơn.
Quận nào ở TP.HCM phải sáp nhập phường ?
Ảnh: hochiminhcity.gov.vn - Đồ họa: Phúc Hải
Theo kinh nghiệm của ông, phải mất thời gian bao lâu người dân sẽ hết xáo trộn do sự điều chỉnh, sáp nhập đơn vị hành chính kể trên?
Tùy theo khu vực chứ không thể nói rõ mấy tháng, mấy năm là hết xáo trộn được. Bản thân tôi cũng từng ở trong khu vực bị điều chỉnh, cũng phải mất thời gian để quen với số nhà mới, tên phường mới. Ban đầu làm giấy tờ liên quan đến địa chỉ phải ghi số nhà cũ - mới, phường cũ - mới nhưng một thời gian sau không phải ghi nữa.
Việc sắp xếp, sáp nhập có lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng không?
Theo lộ trình làm thì từng quận sẽ xây dựng phương án gửi lên TP. Nếu TP đồng ý với phương án đó sẽ trình ra Bộ Nội vụ. Nếu Bộ Nội vụ đồng ý thì TP sẽ triển khai thành một đề án chi tiết và đề án đó phải xin ý kiến cử tri, được HĐND TP thông qua rồi mới trình lên Chính phủ. Do đó, quan trọng nhất là người đứng đầu hệ thống chính trị ở địa phương phải quán triệt chủ trương, tuyên truyền và vận động để thuyết phục người dân tán thành chủ trương.
Sáp nhập phường ít dân, có tách phường quá đông dân ?
Ở TP có những phường xã có diện tích và dân số quá nhỏ nhưng cũng có những phường xã diện tích và dân số quá lớn khiến cán bộ, nhân viên làm không xuể. Vậy thời gian tới TP có tính sắp xếp, chia tách những phường xã lớn và đông dân không? Có sắp xếp đơn vị hành chính cấp quận huyện không?
Ở giai đoạn 1 chủ trương của T.Ư là sáp nhập trước chứ chưa chia tách. Thực tế ở TP có những phường xã (Bình Hưng Hòa A, B của Q.Bình Tân, xã Vĩnh Lộc A, B của H.Bình Chánh) hơn 100.000 dân. Còn 80.000 - 90.000 dân có khoảng chục phường xã. Ở những giai đoạn sau, TP sẽ thực hiện theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là những huyện xã không đạt theo tiêu chí cần phải sắp xếp.
Ở giai đoạn 2 theo tiêu chuẩn của T.Ư, TP sẽ sắp xếp, sáp nhập nhiều phường xã, trong đó có cả sắp xếp quận huyện. Đáng chú ý, nếu địa phương nào có điều kiện sắp xếp có thể trình phương án làm trong giai đoạn 1 chứ không cần chờ đến giai đoạn 2.
TP.HCM là đô thị đặc biệt và có những đặc thù riêng. Vậy trong sắp xếp đơn vị hành chính, TP có những quy định riêng hay áp dụng cơ chế đặc thù khi điều chỉnh không?
Trong những tiêu chuẩn chung của T.Ư cũng có nói ý về đặc thù của TP và TP sẽ cố gắng vận dụng để áp dụng, những đơn vị mà đặc thù sẽ báo cáo T.Ư để tính toán, sắp xếp phù hợp với đặc thù TP. Nếu đề xuất của TP mà T.Ư chấp nhận thì TP sẽ triển khai nhưng nếu T.Ư yêu cầu thì TP tuân theo. Ví dụ như trong số 16 phường theo quy định T.Ư đều phải sáp nhập, nhưng với một số phường ở Q.2 như ở khu vực đô thị mới Thủ Thiêm thì TP cũng đề xuất giữ nguyên vì sắp tới người dân sẽ về đây ở và đông lên, đáp ứng tiêu chí đưa ra.

Các bước sắp xếp, sáp nhập

Trước 25.5: UBND quận, huyện lập danh sách phường, xã, thị trấn chưa đạt 50% về hai tiêu chuẩn (diện tích và quy mô dân số) để Sở Nội vụ tổng hợp.
Tháng 6.2019: Sở Nội vụ tổng hợp, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã báo cáo UBND TP, trình Thành ủy xem xét, thống nhất và gửi Bộ Nội vụ.
Tháng 7.2019: Căn cứ vào kế hoạch sắp xếp được phê duyệt, UBND quận, huyện xây dựng đề án chi tiết về sắp xếp và niêm yết danh sách cử tri theo quy định.
Trước 15.8: HĐND cấp xã, huyện thông qua đề án sáp nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện.
Trước 25.8: UBND TP trình đề án cho Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ, đề án trình HĐND TP.
Trước 31.8: UBND TP trình đề án sắp xếp cho Bộ Nội vụ và cơ quan T.Ư phê duyệt.

Tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính

(Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

TP trực thuộc T.Ư

1. Dân số từ 1.500.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
3. Đơn vị hành chính trực thuộc:
a) Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên;
b) Tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên.

Quận

1. Dân số từ 150.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên.
3. Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên.

Phường

1. Dân số:
a) Phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên;
b) Phường thuộc TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc T.Ư từ 7.000 người trở lên;
c) Phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.