Quản nguồn lợi thủy sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Chi 7 tỉ, vi phạm phát hiện 1

Nguyễn Long
Nguyễn Long
19/07/2019 11:15 GMT+7

Các đại biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho cho rằng kinh phí chi ra 7 tỉ đồng/năm để kiểm tra, nhưng chỉ xử lý được 1 trường hợp đánh bắt hải sản trái phép là quá ít.

Phải chăng lực lượng làm nhiệm vụ đã bị vô hiệu hóa.
Tại kỳ họp (diễn ra từ ngày 16 đến 18.7) nhiều đại biểu đã chất vấn về tình trạng đánh bắt hải sản trái phép bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại, sử dụng giã cào tận diệt nguồn lợi hải sản, gây bức xúc cho ngư dân.

Dùng ngư cụ Trung Quốc để tận diệt hải sản

Báo cáo tại kỳ họp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay trong những năm qua đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với lực lượng biên phòng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là các nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý tàu cá nói chung và kiểm soát nghề khai thác ven bờ thời gian qua vẫn còn tồn tại thiếu sót khi để xảy ra một số tàu cá hoạt động mang tính hủy diệt, trái pháp luật như sử dụng thuốc nổ, xung điện, hóa chất độc hại; sử dụng phương tiện cào đơn, cào đôi trái tuyến, dùng các loại rập có xuất xứ từ Trung Quốc... đã làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, một số loại giá trị kinh tế cao có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, ngư lưới cụ của bà con đánh bắt ven bờ bị các tàu giã cào phá hủy, gây thiệt hại về kinh tế. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để xảy ra việc này do lỗi của chính quyền các cấp và đơn vị có liên quan trong việc thực thi nhiệm vụ chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn tình trạng buông lỏng, công tác phối hợn với các đơn vị chức năng còn chưa chặt chẽ.
Trong khi đó, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Cường đổ lỗi: “Xảy ra tình trạng đánh bắt tận diệt hải sản chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế. Các phương tiện hoạt động tinh vi, manh động trong khi lực lượng chấp pháp chưa đủ về trang thiết bị”. Ông Cường đề xuất các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển và các địa phương kiểm tra, xử lý với các mức xử phạt cao nhất; trang bị thêm tàu, ca nô tuần tra cho lực lượng kiểm ngư; phối hợp với các tỉnh xây dựng quy chế phối hợp, quản lý, xử lý khi tàu các tỉnh xâm nhập đánh bắt tận diệt trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mời ngư dân đến nghị trường

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời ngư dân đến để nghe chất vấn và đặt câu hỏi với các sở, ngành. Phát biểu trong nghị trường, ông Lê Hữu Thế (ngư dân TT.Phước Hải, H.Đất Đỏ) cho biết, hoạt động của các tàu dã cào gần bờ thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 8 (Âm lịch) và vào ban ngày chứ không phải ban đêm như Sở NN-PTNT giải trình. Khi phát hiện tàu dã cào, ngư dân đã báo cho lực lượng chức năng nhưng không thấy đến giải quyết, nếu có tiếp nhận thông tin thì cũng thoái thác trách nhiệm. Ông Thế đề nghị lãnh đạo các cấp xem lại hoạt động của các lực lượng chức năng.
Tham dự kỳ họp, một đại biểu chất vấn: “Vì sao mỗi năm ngân sách cấp cho công tác kiểm tra hoạt động đánh bắt hải sản là 7 tỉ đồng. Trong các báo cáo của Sở NN-PTNT đều nói tình trạng vi phạm trong đánh bắt hải sản ngày càng nhiều nhưng phát hiện, xử lý ngày càng ít?” Ông Cường giải thích, phương tiện của lực lượng chấp pháp nhỏ, công suất yếu hơn của ngư dân. Ban ngày, khi lực lượng tuần tra thì ngư dân ngưng hoạt động, ban đêm khi lực lượng rút thì tiếp tục khai thác. Đó là lý do lực lượng vẫn kiểm tra thường xuyên nhưng phát hiện vi phạm thì ít.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp căng cơ hơn, mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản tận diệt. Ông Lĩnh yều cầu củng cố lại lực lượng thực thi nhiệm vụ vì lực lượng này đang bị vô hiệu hoá. Hàng năm, tỉnh chi một khoản kinh phí lớn cho lực lượng kiểm tra nhưng số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý rất ít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.